Người sử dụng lao động trả lương không đúng thời hạn quy định thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Nghị định số 28/2020 NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi của khách hàng như sau: Tôi làm việc cho một công ty sản xuất theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Nhưng công ty nhiều lần không trả lương đúng hạn, trễ cả tháng trời. Nên tôi đã nộp đơn xin nghỉ ngang mà không báo trước. Vậy tôi phải bồi thường như thế nào?
-
Về vấn đề trả lương không đúng thời hạn
Về nguyên tắc, người sử dụng lao động phải tôn trọng và tuân thủ việc trả lương theo hợp đồng lao động đã giao kết, bao gồm mức lương và thời hạn trả lương. Ngoài ra, Bộ luật Lao động cũng quy định nguyên tắc trả lương tại Điều 94, theo đó người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động:
Điều 94. Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Tuy nhiên, nếu vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn, thì vẫn có thể được xem xét theo quy định tại Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động như sau:
Điều 97. Kỳ hạn trả lương
4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Như vậy, về nguyên tắc người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương đầy đủ và đúng hạn cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn có thể được phép chậm trả tiền lương theo Điều 97 nêu trên, nhưng cũng không được chậm quá 30 ngày . Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm tiền lãi.
Trong câu hỏi cụ thể của khách hàng trên, cần phải xác định được công ty chậm trả lương vì lý do gì? Có phải trường hợp bất khả kháng hay không? Và công ty đã tìm mọi biện pháp khắc phục như thế nào? Và chậm bao nhiêu ngày? Nếu không thỏa mãn điều kiện được phép chậm trả lương thì công ty phải trả thêm tiền lãi theo quy định.
Ngoài ra, với hành vi trả lương không đúng thời hạn, công ty có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 28/2020 NĐ-CP như sau:
Điều 16. Vi phạm quy định về tiền lương
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề theo quy định của pháp luật; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
-
Về việc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Căn cứ Điều 35 Bộ luật Lao động, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần phải báo trước được quy định tại Khoản 2 như sau:
Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Do vậy, với câu hỏi cụ thể nêu trên, nếu công ty trả lương không đúng thời hạn mà không thỏa mãn điều kiện được phép chậm trả lương theo quy định tại Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước và không phải bồi thường.