Hợp đồng lao động là cơ sở pháp lý nền tảng để doanh nghiệp và người lao động thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Xin chào luật sư, công ty của tôi vừa rồi đã ký hợp đồng lao động thời hạn 3 năm với 5 nhân viên sản xuất. Nhưng năm nay kinh tế khó khăn, công ty ít đơn hàng, tôi muốn sửa lại hợp đồng lao động còn 1 năm được không?
Doanh nghiệp và người lao động cùng có nghĩa vụ tuân thủ thực hiện đúng hợp đồng lao động, bao gồm cả thời hạn làm việc. Hai bên có thể ký phụ lục để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Tuy nhiên cần lưu ý:
Căn cứ khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
Điều 22. Phụ lục hợp đồng lao động
2. Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.
Theo quy định trên, doanh nghiệp và người lao động có thể lập phụ lục để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động; Nhưng không được sửa đổi về thời hạn hợp đồng, đây là điều cấm của luật.
Trường hợp do kinh tế khó khăn dẫn đến phải cắt giảm chi phí lao động, doanh nghiệp có thể thực hiện các phương án khác như:
- Thỏa thuận giảm lương để duy trì nguồn lao động trong thời điểm khó khăn;
- Thỏa thuận ngừng việc theo quy định tại Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019;
- Thực hiện cắt giảm lao động theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2019.