Doanh nghiệp có thể yêu cầu người lao động cung cấp các giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ để đảm bảo người lao động cung cấp thông tin trung thực
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Em mới được nhận vào làm tại công ty, bên nhân sự yêu cầu em phải nộp bản chính các giấy tờ của em, chỉ khi nào nghỉ việc mới trả lại. Em muốn hỏi như vậy có được không?
-
Công ty được giữ giấy tờ gốc của người lao động?
Khi làm việc cho bất kỳ doanh nghiệp nào, người lao động có nghĩa vụ cung cấp trung thực các thông tin về nhân thân, cũng như các thông tin về học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc,…
Vì vậy, doanh nghiệp có thể yêu cầu người lao động cung cấp các giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ để xem xét, đánh giá.
Tuy nhiên, căn cứ Điều 17 Bộ luật Lao động năm 2019, doanh nghiệp không được thực hiện những hành vi sau đây:
Điều 17. Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
- Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
- Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
- Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Theo quy định trên, doanh nghiệp có quyền xem xét giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ của người lao động, nhưng không được giữ bản chính các giấy tờ này của người lao động.
-
Xử phạt vi phạm hành chính
Doanh nghiệp giữ bản chính giấy tờ của người lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều 9 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP như sau:
Điều 9. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
d) Buộc người sử dụng lao động trả lại bản chính giấy tờ tùy thân; văn bằng; chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
Lưu ý:
- Mức phạt nêu trên được áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân;
- Mức phạt đối với tổ chức vi phạm bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân.
Do vậy, doanh nghiệp có hành vi giữ bản chính giấy tờ của người lao động sẽ bị phạt hành chính từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.