Khi người lao động thôi việc, công ty cần chốt sổ bảo hiểm xã hội để người lao động thực hiện thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
- Nghị định số 28/2015/NĐ-CP;
- Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.
Xem thêm:
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Em chào luật sư, cho em hỏi em nghỉ việc tại công ty đã 2 tháng mà em liên hệ công ty để lấy sổ BHXH mấy lần rồi nhưng vẫn chưa có để em làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vậy nếu công ty không chốt sổ thì công ty bị phạt gì không ạ để em đến làm việc lại với công ty.
Khi chấm dứt hợp đồng lao động, cả doanh nghiệp và người lao động đều phải hoàn thành các nghĩa vụ đối với nhau, bao gồm việc thanh toán các khoản nợ lương, tạm ứng, cũng như chốt sổ BHXH và bàn giao các loại giấy tờ.
Căn cứ khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
Điều 48. Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Căn cứ khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:
Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Theo các quy định trên, khi người lao động nghỉ việc, công ty phải thực hiện:
- Chốt sổ BHXH và giao cho người lao động;
- Trả cho người lao động các giấy tờ đang giữ (nếu có);
- Cung cấp tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu được yêu cầu.
Ngoài ra, căn cứ Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động có kèm theo sổ BHXH đã được xác nhận thời gian đóng bảo hiểm bắt buộc. Nên nếu công ty không thực hiện chốt sổ BHXH cho người lao động thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, nếu công ty không thực hiện chốt sổ BHXH cho người lao động khi họ thôi việc thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP như sau:
Điều 39. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
Lưu ý:
- Mức phạt tiền nêu trên được áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân.
- Nếu người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền bằng hai lần mức nêu trên. Cụ thể phạt tiền từ 2.000.000 đến 6.000.000 đồng với mỗi người lao động bị xâm phạm, nhưng tối đa là 150.000.000 đồng.