Để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp thường giao chỉ tiêu cho người lao động. Vậy nếu không hoàn thành chỉ tiêu được giao, người lao động có bị sa thải không?
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.
Hiện nay, doanh nghiệp thường đặt ra các chỉ tiêu KPI cho người lao động để làm căn cứ xác định mức lương, thưởng. Nếu người lao động không đạt được KPI thì doanh nghiệp có được sa thải để tuyển dụng người khác thay thế hay không?
-
Phải có tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc
Để đánh giá người lao động có hoàn thành chỉ tiêu KPI hay không, cần có các tiêu chí rõ ràng làm thước đo mức độ hoàn thành công việc. Bộ luật Lao động năm 2019 cũng có quy định doanh nghiệp phải xây dựng các tiêu chí này tại Điều 36 như sau:
Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
Theo quy định trên, doanh nghiệp phải ban hành quy chế quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc, và doanh nghiệp cũng không được tùy tiện xây dựng quy chế này mà phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Trường hợp doanh nghiệp tự xây dựng quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc mà không tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động thì sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP như sau:
Điều 12. Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
c) Sử dụng quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc nhưng không tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
-
Các trường hợp người lao động bị sa thải
Sa thải là một hình thức kỷ luật lao động, được áp dụng xử lý khi người lao động vi phạm pháp luật lao động, nội quy lao động nghiêm trọng, cụ thể trong các trường hợp được quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
- Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
- Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
- Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật…;
- Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Theo quy định trên, các trường hợp người lao động bị sa thải không bao gồm việc không hoàn thành công việc được giao.
Tuy nhiên, nếu người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc được giao thì doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động đã nêu trên.
Như vậy, nếu có đầy đủ tiêu chí để xác định người lao động không hoàn thành công việc theo quy chế thì doanh nghiệp không thể xử lý kỷ luật sa thải mà có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.