Khi bị thu hồi đất, ngoài việc được bồi thường về đất, người sử dụng đất còn có thể được bồi thường về tài sản trên đất khi đáp ứng một số điều kiện nhất định
Căn cứ pháp lý:
- Luật Đất đai năm 2013.
Có 2 nhóm tài sản được xem xét bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: nhà, công trình xây dựng; và cây trồng, vật nuôi.
Căn cứ Điều 88 Luật Đất đai năm 2013, nguyên tắc bồi thường tài sản trên đất được quy định như sau:
Điều 88. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất
1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.
2. Khi Nhà nước thu hồi đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng sản xuất, kinh doanh mà có thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại.
Theo quy định trên, khi Nhà nước thu hồi đất thì chủ sở hữu tài sản sẽ được bồi thường nếu đáp ứng 2 điều kiện sau:
-
Tài sản phải hợp pháp
Tài sản hợp pháp được thể hiện ở các giấy tờ về quyền sở hữu, việc tạo lập tài sản là phù hợp với quy định pháp luật. Khi giải quyết bồi thường về tài sản, các cơ quan Nhà nước sẽ tổ chức thống kê, kiểm đếm xác minh tính pháp lý của tài sản để làm căn cứ xem xét bồi thường. Tuy nhiên, không ít trường hợp việc tạo lập tài sản không phù hợp dẫn đến không được bồi thường. Vậy khi nào thì tài sản được coi là hợp pháp?
Đối với nhà ở hoặc công trình xây dựng
Căn cứ Khoản 1 Điều 6 và Khoản 2 Điều 92 Luật Đất đai năm 2013, công trình xây dựng được bồi thường phải đảm bảo các điều kiện bao gồm:
- Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
- Đúng mục đích sử dụng đất.
- Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Căn cứ Khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai năm 2013 quy định trước khi có quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người sử dụng đất biết trước thời điểm thu hồi một khoảng thời gian nhất định, cụ thể:
- Chậm nhất là 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp.
- Chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp.
Nếu người sử dụng đất xây dựng sau khi có thông báo thu hồi đất thì tài sản đó là không hợp pháp và sẽ không được bồi thường. Thậm chí có thể bị xử phạt hành chính, buộc phải tháo dỡ công trình vi phạm, nếu không tự tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ.
Đối với cây trồng
Cũng tương tự như đối với nhà và công trình xây dựng, căn cứ Khoản 1 Điều 6 và Khoản 2 Điều 92 Luật Đất đai năm 2013, cây trồng được coi là hợp pháp khi có đủ điều kiện sau:
- Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
- Đúng mục đích sử dụng đất
- Được trồng trước khi có thông báo thu hồi đất
-
Phải có thiệt hại về tài sản khi bị thu hồi đất
Sau khi đã xác định tài sản là hợp pháp, chủ sở hữu tài sản sẽ được bồi thường nếu tài sản đó bị thiệt hại thực tế do Nhà nước thu hồi đất, thể hiện ở việc nhà ở, công trình xây dựng bị phá dỡ, cây trồng bị chặt bỏ hoặc không bị chặt bỏ nhưng phải tốn chi phí để di dời cây trồng sang vị trí mới để trồng lại.
Đối với vật nuôi, đa số trường hợp khi Nhà nước thu hồi đất nhưng không gây thiệt hại cho vật nuôi nên như trâu, bò, lợn, gà,… vì những vật nuôi này có thể di chuyển mà không gây thiệt hại nên chủ sở hữu vật nuôi không được bồi thường.
Tuy nhiên, đối với nuôi trồng thủy sản, chủ sở hữu sẽ được bồi thường nếu tại thời điểm thu hồi đất thủy sản đó chưa đến thời kỳ thu hoạch. Căn cứ Điểm b khoản 2 Điều 90 Luật Đất đai 2013 quy định bồi thường đối với thủy sản bị thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì:
- Được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm
- Trường hợp có thể di chuyển được thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra