Cá nhân được tạo điều kiện làm việc tại Việt Nam, cũng như đầu tư thành lập doanh nghiệp và được miễn giấy phép lao động trong một số trường hợp.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Tôi có người bạn bên nước ngoài. Chúng tôi muốn cùng thành lập một công ty tại Việt Nam về gia công phần mềm. Vậy bạn tôi là người nước ngoài cùng tôi góp vốn mở công ty thì khi sang Việt Nam làm việc có phải cần giấy phép lao động không vậy?
Hiện nay, Việt Nam đang khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cá nhân người nước ngoài có thể thành lập công ty TNHH 100% vốn của họ, hoặc cũng có thể góp vốn cùng người Việt Nam để thành lập và điều hành công ty tại Việt Nam.
Căn cứ Điều 154 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
Điều 154. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động
- Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.
- Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.
- Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
- Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.
- Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.
- Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư.
- Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
- Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 7. Trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động
Ngoài các trường hợp quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 154 của Bộ luật Lao động, người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động:
- Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.
- Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.
Theo quy định trên, cá nhân người nước ngoài khi đầu tư thành lập công ty để kinh doanh tại Việt Nam có thể không cần giấy phép lao động.
Tuy nhiên để tránh việc cá nhân nước ngoài lợi dụng việc thành lập công ty để ở lại Việt Nam bằng cách góp vốn vào công ty nhưng chỉ với số vốn tượng trưng rất nhỏ, nên pháp luật quy định mức vốn đầu tư tối thiểu được miễn giấy phép lao động như sau:
- Đối với công ty TNHH: người nước ngoài phải là thành viên góp vốn từ 3.000.000.000 đồng trở lên;
- Đối với công ty cổ phần: người nước ngoài phải giữ chức danh chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty có giá trị góp vốn từ 3.000.000.000 đồng trở lên.