Doanh nghiệp cần lưu ý về thời điểm xuất hóa đơn ghi nhận doanh thu để hạn chế rủi ro bị phạt vi phạm hành chính về sử dụng hóa đơn và vi phạm nghĩa vụ thuế.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Luật sư TLT cho tôi hỏi, công ty tôi là bên bán hàng hóa, theo hợp đồng thì công ty tôi sẽ giao hàng nhiều đợt nhưng không thu tiền ngay. Vậy mỗi lần giao hàng thì công ty có cần xuất hóa đơn không hay chờ đến khi giao hết hàng và thu đủ tiền thì mới xuất hóa đơn toàn bộ giá trị hợp đồng?
Việc xuất hóa đơn tài chính có liên quan chặt chẽ đến nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, bao gồm thuế GTGT và thuế TNDN. Bởi khi hóa đơn đã được xuất thì doanh nghiệp phải ghi nhận khoản thuế GTGT đầu ra phải nộp và thuế TNDN tạm nộp trong kỳ.
Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cũng có quy định như sau:
Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ
- Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.
Do vậy, doanh nghiệp cần lưu ý xuất hóa đơn đúng quy định để tránh các rủi ro về thuế như: bị xử phạt vi phạm hành chính, phải nộp tiền lãi do chậm nộp thuế.
Căn cứ khoản 1, 2, 3 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 9. Thời điểm lập hóa đơn
- Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
- Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
- …
Theo quy định trên, thời điểm xuất hóa đơn không phụ thuộc vào việc bên bán, bên thực hiện dịch vụ đã thu được đủ tiền hợp đồng hay chưa. Đồng thời phải tuân thủ nguyên tắc sau:
- Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa: Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua
- Đối với hợp đồng dịch vụ: Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ
- Nếu hợp đồng quy định giao hàng nhiều đợt/bàn giao theo từng hạng mục/bàn giao theo công đoạn dịch vụ: mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn tương ứng với giá trị hàng hóa, dịch vụ được bàn giao
Comments 1