Cá nhân, tổ chức kinh doanh một số hàng hóa, dịch vụ đặc thù phải đăng ký hợp đồng mẫu để bảo vệ người tiêu dùng
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Quyết định số 02/2012/QĐ-TT được sửa đổi bởi Quyết định số 35/2015/QĐ-TT;
- Nghị định số 98/2020/NĐ-CP;
- Nghị định số 17/2022/NĐ-CP.
Nhà nước quy định một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng mẫu. Theo đó, trước khi áp dụng hợp đồng mẫu để cung cấp hàng hóa, dịch vụ này thì cá nhân, tổ chức phải đăng ký để được chấp thuận hợp đồng mẫu.
-
Những hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng mẫu
Những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng kí hợp đồng mẫu được quy định tại Quyết định số 02/2012/QĐ-TT được sửa đổi bởi Quyết định số 35/2015/QĐ-TT bao gồm:
- Cung cấp điện sinh hoạt
- Cung cấp nước sinh hoạt
- Truyền hình trả tiền
- Dịch vụ điện thoại cố định mặt đất
- Dịch vụ thông tin di động mặt đất
- Dịch vị truy cập Internet
- Vận chuyển hành khách đường hàng không
- Vận chuyển hành khách đường sắt
- Mua bán căn hộ chung cư, các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp
- Phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng).
- Bảo hiểm nhân thọ
-
Xử phạt vi phạm hành chính
Trường hợp kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ như trên, mà cá nhân, tổ chức kinh doanh không thực hiện đăng ký hợp đồng mẫu trước khi áp dung thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:
Điều 49. Hành vi vi phạm về đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc hủy bỏ hoặc sửa đổi nội dung hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc trái với nguyên tắc chung về giao kết hợp đồng.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đăng ký hoặc không đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định;
b) Không thông báo cho người tiêu dùng về việc thay đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định;
c) Không áp dụng đúng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định.
3. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và 2 Điều này trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Như vậy, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu không đăng ký hợp đồng mẫu theo quy định pháp luật.
Nếu hợp đồng được áp dụng cho phạm vị địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì mức phạt tiền sẽ gấp hai lần mức nêu trên.
Cần lưu ý: Căn cứ khoản 4 Điều 4 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, mức phạt nêu trên được áp dụng cho cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ gấp hai lần mức phạt đối với cá nhân.