Phạt là một biện pháp chế tài cho hành vi vi phạm hợp đồng mang tính răn đe cũng như nhằm hạn chế, bù đắp thiệt hại của bên bị vi phạm.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Thương mại năm 2005.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Chào Luật sư TLT, công ty tôi có ký hợp đồng dịch vụ với một đối tác. Nhưng khi hết thời hạn thực hiện dịch vụ mà họ vẫn chưa thực hiện xong công việc, cũng như chất lượng dịch vụ cũng không được như tôi mong muốn và đang đề nghị họ điều chỉnh. Tôi coi lại hợp đồng thì không thấy có điều khoản phạt, thì tôi có được quyền phạt họ không?
Phạt là một biện pháp chế tài được áp dụng khi có hành vi vi phạm hợp đồng. Điều khoản phạt thường được đưa vào hợp đồng nhằm mục đích để các bên tăng trách nhiệm tuân thủ hợp đồng, cũng như là cách để hạn chế thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.
-
Hợp đồng không quy định phạt thì có quyền phạt hay không?
Căn cứ Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 như sau:
Điều 300. Phạt vi phạm
Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.
Theo quy định trên, chế tài phạt chỉ được áp dụng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận. Do đó, bên bị vi phạm không đương nhiên được quyền áp dụng chế tài phạt đối với bên vi phạm hợp đồng.
Thay vào đó, nếu hành vi vi phạm hợp đồng dẫn đến thiệt hại nhưng không thể áp dụng phạt thì bên bị vi phạm vẫn có quyền:
- Yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục thiệt hại;
- Yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại;
- Và thực hiện các quyền khác như yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng, yêu cầu chấm dứt hợp đồng.
-
Mức phạt trong hợp đồng thương mại thông thường là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 như sau:
Điều 301. Mức phạt vi phạm
Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.
Theo quy định trên, các bên có quyền thỏa thuận mức phạt vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, mức phạt trong giao dịch thương mại bị khống chế tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (trừ một số loại hợp đồng chuyên ngành nhất định có mức phạt tối đa khác 8%).
Trong một số trường hợp, việc xác định giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm là tương đối khó khăn. Do vậy trong hợp đồng nên quy định chi tiết giá trị từng phần của hợp đồng, giá trị từng giai đoạn thực hiện hợp đồng để dễ dàng tính mức phạt hơn.