Doanh nghiệp cần theo dõi các khoản doanh thu, chi phí để xác định khoản thuế TNDN phải tạm nộp theo quý.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định số 91/2022/NĐ-CP;
- Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
Căn cứ điểm b, khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 91/2022/NĐ-CP như sau:
Người nộp thuế thuộc diện lập báo cáo tài chính quý theo quy định của pháp luật về kế toán căn cứ vào báo cáo tài chính quý và các quy định của pháp luật về thuế để xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý.
Người nộp thuế không thuộc diện lập báo cáo tài chính quý theo quy định của pháp luật về kế toán căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh quý và các quy định của pháp luật về thuế để xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý.
Theo quy định trên, định kỳ mỗi quý, doanh nghiệp phải tạm nộp tiền thuế TNDN cho Nhà nước. Để làm được việc này, doanh nghiệp cần theo dõi trên sổ sách các khoản doanh thu, chi phí để tự xác định nghĩa vụ thuế. Sau khi kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp làm tờ khai quyết toán thuế TNDN.
Bài viết này Luật sư TLT hướng dẫn cách tạm tính tiền thuế TNDN theo quý như sau:
Thuế TNDN phải nộp được xác định theo công thức sau:
Thuế TNDN phải nộp |
= | Thu nhập tính thuế |
x | Thuế suất thuế TNDN |
Nếu doanh nghiệp nếu có trích quỹ phát triển khoa học và công nghệ thì thuế TNDN phải nộp được xác định như sau:
Thuế TNDN phải nộp | = | ( | Thu nhập tính thuế | – | Quỹ KH&CN
(nếu có) |
) | x | Thuế suất thuế TNDN |
Trong đó:
- Quỹ KH&CN (nếu có): được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm.
- Thuế suất thuế TNDN năm 2024 là 20% (Không phân biệt mức doanh thu)
- Thu nhập tính thuế trong kỳ được xác định theo công thức sau:
Thu nhập tính thuế | = | Thu nhập chịu thuế | – | ( | Thu nhập được miễn thuế | + | Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định | ) |
- Thu nhập chịu thuế trong kỳ được xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế | = | Doanh thu | – | Chi phí được trừ | + | Các khoản thu nhập khác |
Lưu ý: Nếu doanh nghiệp có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh mà mỗi hoạt động áp dụng nhiều mức thuế suất thuế TNDN khác nhau thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập chịu thuế của từng hoạt động nhân với thuế suất tương ứng.
- Doanh thu:
- Đối với doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì doanh thu là số tiền chưa bao gồm thuế GTGT
- Đối với doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì doanh thu là bao gồm cả thuế GTGT
- Chi phí được trừ: là những khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; có đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật; đối với hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt
- Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định: Xem Hướng dẫn chuyển lỗ trong kế toán, thuế
- Thu nhập được miễn thuế: những khoản thu nhập này thường áp dung cho một số doanh nghiệp đặc thù và được quy định tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 96/2015/TT-BTC
Lưu ý: Căn cứ Nghị định số 91/2022/NĐ-CP, số tiền tạm nộp thuế TNDN của 4 quý trong một năm tài chính không được thấp hơn 80% tổng số thuế TNDN phải nộp của cả năm tài chính. Nếu số tiền đã tạm nộp không đạt 80% thì doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 4 đến ngày liền kề trước ngày nộp số thuế còn thiếu.