Hợp đồng là sự thỏa thuận xác lập quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Nếu một bên vi phạm hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng các chế tài
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Thương mại năm 2005.
Sau khi đã giao kết hợp đồng thương mại, các bên phải tôn trọng và tuân thủ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong hợp đồng.
Nếu một bên đơn phương tự tuyên bố hủy bỏ hợp đồng thương mại đã giao kết thì có thể hay không?
Thực tế hiện nay cho thấy, mặc dù hợp đồng được quy định chặt chẽ quyền và nghĩa vụ của các bên. Tuy nhiên, việc thực hiện hợp đồng trên thực tế còn tùy thuộc vào tình hình thực tế vào thời điểm thực hiện và mức độ thiện chí của các bên. Vậy, một bên có thể tự hủy bỏ thực hiện hợp đồng để không thực hiện những thỏa thuận đã giao kết hay không?
-
Điều kiện được tự hủy bỏ thực hiện toàn bộ hợp đồng
Hủy bỏ hợp đồng là một biện pháp chế tài vi phạm hợp đồng trong pháp luật thương mại. Cụ thể căn cứ Điều 312 Luật Thương mại năm 2005. Một bên có quyền tự hủy bỏ toàn bộ hợp đồng nếu:
1. Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng;
2. Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Theo quy định trên, các bên có thể thỏa thuận chi tiết các điều kiện để một bên có thể tự hủy bỏ hợp đồng. Nếu không có thỏa thuận, một bên vẫn có quyền tự hủy bỏ hợp đồng nếu bên kia có vi phạm cơ bản. Trong đó, vi phạm cơ bản là vi phạm đến mức làm cho bên còn lại không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.
Nếu thỏa mãn các điều kiện trên thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền hủy bỏ hợp đồng để bảo vệ quyền lợi của mình.
Cần lưu ý: Bên bị vi phạm hợp đồng muốn hủy bỏ hợp đồng cần phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc huỷ bỏ hợp đồng.
-
Hệ quả sau khi hủy bỏ hợp đồng
Sau khi hợp đồng bị hủy bỏ, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết.
Do vậy, các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình. Trừ các thỏa thuận về giải quyết hệ quả sau khi hủy bỏ hợp đồng và các thỏa thuận về giải quyết tranh chấp cũng như việc bồi thường thiệt hại do một bên vi phạm hợp đồng gây ra.
Nếu các bên đã thực hiện một phần hợp đồng trước khi hủy bỏ, thì mỗi bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình.
-
Hậu quả nếu hủy bỏ hợp đồng trái pháp luật
Hủy bỏ hợp đồng là một biện pháp chế tài vi phạm hợp đồng. Do vậy, một bên trong hợp đồng chỉ được thực hiện điều này nếu bên kia có hành vi vi phạm hợp đồng. Đồng thời bên nào muốn hủy bỏ thì phải thông báo cho bên còn lại.
Do đó:
- Hủy bỏ hợp đồng mà không có căn cứ xác đáng sẽ dẫn đến bên còn lại cho rằng việc hủy bỏ đó là trái pháp lập và sẽ áp dụng các chế tài vi phạm và đòi bồi thường thiệt hại;
- Nếu hủy bỏ hợp đồng đúng quy định, nhưng lại không thông báo dẫn đến gây ra thiệt hại cho bên còn lại thì bên huỷ bỏ hợp đồng phải bồi thường thiệt hại.