Doanh nghiệp có quyền yêu cầu phải trả tiền lãi do chậm thanh toán nếu bên có nghĩa vụ vi phạm chậm trả tiền hàng
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Em chào luật sư, em làm kế toán cho một công ty. Bên em có một khách hàng chậm thanh toán 2 tháng nay. Theo quy định trong hợp đồng là khách hàng phải thanh toán thêm tiền lãi do họ vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Em muốn hỏi là công ty em có phải xuất hóa đơn cho khoản tiền lãi này không? và nộp thuế GTGT, thuế TNDN như thế nào?
Trong các hợp đồng thương mại, các bên có thể thỏa thuận trách nhiệm trả lãi của một bên do vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Trên thực tế, khi muốn thực thi quyền yêu cầu trả lãi chậm thanh toán, bên có quyền nên có thông báo trước đến bên có nghĩa vụ về việc tính lãi, trong đó nêu rõ số nợ gốc, thời hạn tính lãi, lãi suất và phương pháp tính lãi.
Căn cứ trên thông báo yêu cầu trả lãi, các bên thực hiện việc thanh toán tiền lãi mà không bắt buộc phải xuất hóa đơn tài chính, không phải kê khai và nộp thuế GTGT.
Cụ thể, căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:
Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
- Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.
Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.
Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.
…
Ví dụ 13: Doanh nghiệp X bán hàng cho doanh nghiệp Z, tổng giá thanh toán là 440 triệu đồng. Theo hợp đồng, doanh nghiệp Z thanh toán trả chậm trong vòng 3 tháng, lãi suất trả chậm là 1%/tháng/tổng giá thanh toán của hợp đồng. Sau 3 tháng, doanh nghiệp X nhận được từ doanh nghiệp Z tổng giá trị thanh toán của hợp đồng là 440 triệu đồng và số tiền lãi chậm trả là 13,2 triệu đồng (440 triệu đồng x 1% x 3 tháng) thì doanh nghiệp X không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản tiền 13,2 triệu đồng này.
Theo quy định trên:
- Các khoản bồi thường do vi phạm hợp đồng thương mại sẽ không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT nên doanh nghiệp không phải xuất hóa đơn tài chính, không phải nộp thuế GTGT;
- Bên phải trả lãi thì cần lập chứng từ chi;
- Bên được nhận tiền thì cần lập chứng từ thu;
- Các bên nên lập kèm theo văn bản xác định số tiền lãi để làm căn cứ chi/thu.
Về thuế TNDN: khoản tiền lãi mà một bên nhận được, được tính vào thu nhập khác và vẫn phải chịu thuế TNDN.
Lưu ý: Nếu các bên thực hiện bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ thì bên bồi thường phải lập hóa đơn.