Doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động nghỉ việc dài ngày mà không có lý do chính đáng.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Luật sư TLT cho em hỏi, nếu người lao động mà nghỉ việc ngang không báo gì cho công ty, thì công ty có phải làm thủ tục thông báo gì cho người lao động không ạ? Bên em đã liên hệ người lao động nhưng không được.
Người lao động nghỉ việc ngang không thông báo cho công ty là trường hợp không hiếm gặp. Việc này dẫn đến người lao động sẽ nghỉ việc liên tục từ 05 ngày làm việc trở lên mà không có lý do chính đáng.
Căn cứ điểm e khoản 1 và khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
3. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều này thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động.
Theo quy định trên, nếu người lao động đột ngột nghỉ việc ngang mà không báo cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Căn cứ khoản 1 Điều 45 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
Điều 45. Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động
- Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 34 của Bộ luật này.
Theo quy định trên, khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho người lao động, trừ các trường hợp quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 34 sau đây:
- 4. Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
- 5. Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- 6. Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
- 7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
- 8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
Như vậy, theo các quy định trên, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do người lao động đột ngột nghỉ việc ngang mà không báo, doanh nghiệp phải thực hiện việc thông báo bằng văn bản cho người lao động. Việc thông báo có thể được thực hiện bằng việc gửi thư qua đường bưu điện, gửi email.