Người lao động phải trung thực khi cung cấp thông tin cho doanh nghiệp khi ứng tuyển việc làm. Việc sử dụng thông tin của người khác để làm việc là vi phạm pháp luật
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP;
- Công văn số 1767/LĐTBXH-BHXH năm 2022.
Chúng tôi nhận được câu hỏi của khách hàng như sau: Tôi là giám đốc công ty, cuối năm 2021 công ty tôi có tuyển nhiều công nhân vào làm việc. Nhưng trong đó có một hồ sơ là giả mạo, người này lấy thông tin và bằng cấp của người khác để vào làm việc. Đến bây giờ tôi mới phát hiện ra và đang xử lý. Tôi không biết phải giải quyết như thế nào?
-
Lấy thông tin người khác để làm việc thì hợp đồng lao động có hiệu lực không?
Một nguyên tắc cơ bản trong giao dịch dân sự là các bên giao dịch phải trung thực và thiện chí. Việc một bên cung cấp sai thông tin về bản thân, hay sử dụng thông tin của người khác để thực hiện giao dịch là vi phạm pháp luật.
Trong quan hệ lao động cũng như vậy. Căn cứ Điều 15, 16 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động và người lao động đều có nghĩa vụ trung thực khi giao kết hợp đồng lao động.
Nghĩa vụ trung thực này đã được hướng dẫn tại Công văn số 1767/LĐTBXH-BHXH năm 2022 như sau:
1. Trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực” theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật Lao động và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật Lao động. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 của Bộ luật Lao động đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ
Theo quy định trên, việc người lao động sử dụng thông tin cá nhân và bằng cấp của người khác để ứng tuyển và giao kết hợp đồng lao động sẽ dẫn đến hợp đồng lao động bị vô hiệu toàn bộ.
Tuy nhiên cần lưu ý: căn cứ Điều 50 Bộ luật lao động 2019, Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Do vậy, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục khởi kiện tại tòa án để tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
-
Giải quyết hợp đồng lao động với người lao động giả mạo như thế nào?
Việc giải quyết hệ quả của hợp đồng lao động bị vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 10. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
1. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, người lao động và người sử dụng lao động ký lại hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật.
2. Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi hợp đồng lao động được ký lại thực hiện như sau:
a) Nếu quyền, lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động được thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu;
b) Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động thực hiện theo khoản 2 Điều 9 Nghị định này;
c) Thời gian người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian làm việc của người lao động cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.
3. Trường hợp không ký lại hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì:
a) Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
4. Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp và người lao động có thể tự thỏa thuận để giải quyết quan hệ lao động mà không yêu cầu tòa án giải quyết.
Đồng thời, nếu cần thiết, doanh nghiệp có quyền nộp đơn khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu theo quy định nêu trên.
Khi hợp đồng lao động bị tòa án tuyên bố vô hiệu thì:
- Doanh nghiệp và người lao động ký lại hợp đồng lao động theo đúng quy định pháp luật;
- Nếu không ký lại hợp đồng lao động thì doanh nghiệp có quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng lao động.