Đoàn phí công đoàn là khoản tiền mà đoàn viên công đoàn đóng góp để tổ chức các hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động như văn hóa, thể thao, du lịch, thăm hỏi, trợ cấp khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn,…
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Công đoàn năm 2012;
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Nghị định số 12/2022/NĐ-CP;
- Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Căn cứ Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012, đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Điều này có nghĩa là chỉ những người lao động tham gia công đoàn mới phải đóng đoàn phí. Nếu người lao động không tham gia công đoàn hoặc doanh nghiệp không thành lập công đoàn cơ sở, họ sẽ không phải đóng đoàn phí.
-
Người lao động có bắt buộc phải tham gia công đoàn?
Theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 1 Điều 5 Luật Công đoàn 2012, việc tham gia công đoàn là quyền của người lao động, không phải nghĩa vụ. Người lao động có quyền tự do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật. Bộ luật Lao động 2019 cũng nghiêm cấm người sử dụng lao động ép buộc người lao động gia nhập công đoàn. Việc tham gia công đoàn hoàn toàn dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Nếu người sử dụng lao động ép buộc người lao động tham gia công đoàn để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, họ có thể bị xử phạt từ 15 – 30 triệu đồng theo điểm b khoản 1 Điều 36 Nghị định sô 12/2022/NĐ-CP. Mức xử phạt này áp dụng đối với cá nhân, còn đối với tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ gấp đôi (từ 30 – 60 triệu đồng).
-
Mức đóng đoàn phí công đoàn mới nhất
Theo Điều 23 Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức đóng đoàn phí công đoàn được quy định như sau:
- Đoàn viên công đoàn tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị hưởng lương theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định: Mức đóng hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
- Đoàn viên tại các công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước: Mức đóng hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh, tối đa là 10% mức lương cơ sở.
- Đoàn viên ở công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước: Mức đóng hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tối đa là 10% mức lương cơ sở.
- Trường hợp khó xác định tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí hoặc đoàn viên không phải đóng BHXH: Mức đóng ấn định thấp nhất bằng 1% mức lương cơ sở.
-
Ai được miễn đóng đoàn phí công đoàn?
Theo khoản 1 Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012, đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Do đó, chỉ những ai là đoàn viên công đoàn mới phải đóng đoàn phí. Người lao động không tham gia công đoàn sẽ không phải đóng đoàn phí.
Ngoài ra, theo khoản 6 Điều 23 Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những trường hợp sau đây được miễn đóng đoàn phí công đoàn:
- Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp BHXH từ 01 tháng trở lên thì trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí.
- Đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương.