Trong quá trình hành nghề luật sư, chúng tôi nhận thấy rất nhiều người mong muôn ly hôn đơn phương, tuy nhiên họ gặp nhiều khó khăn do người chồng không hợp tác, hoặc không thể liên lạc được.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Bài viết dưới đây sẽ trình bày tổng quan và các bước cần thiết khi ly hôn đơn phương trong trường hợp không liên lạc được với người chồng.
-
Trường hợp nào được ly hôn đơn phương?
Ly hôn đơn phương là việc ly hôn xuất phát từ ý chí của một bên vợ hoặc chồng, không phải do ý chí của cả hai bên. Khác với ly hôn thuận tình, ly hôn đơn phương là việc một trong hai bên yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Quyền yêu cầu ly hôn được quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 như sau:
- Vợ hoặc chồng hoặc cả hai đều có quyền yêu cầu ly hôn.
- Cha, mẹ, người thân khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn nếu một bên là vợ, chồng bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi, đồng thời cha, mẹ, người thân khác cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn nếu vợ chồng là nạn nhân của bạo lực gia đình.
- Chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn nếu vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 01 tuổi.
Để được ly hôn đơn phương, cần đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình như sau:
- Khi vợ, chồng yêu cầu ly hôn và việc hòa giải tại Tòa án không thành, Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng, mục đích của hôn nhân không đạt được.
- Nếu vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, Tòa án giải quyết cho ly hôn.
- Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn của cha, mẹ người thân khác khi một bên có hành vi bạo lực gia đình, Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
-
Có được ly hôn đơn phương khi không liên lạc được với chồng?
Trong trường hợp không liên lạc được với chồng, vợ có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố chồng mất tích và sau đó yêu cầu thực hiện việc ly hôn. Điều kiện để yêu cầu tuyên bố người chồng mất tích được quy định tại Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
- Biệt tích 02 năm liền trở lên.
- Đã áp dụng các biện pháp thông báo, tìm kiếm nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc biệt tích đó còn sống hay đã chết thì người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố người đó mất tích.