Bị cáo, bị hại trong vụ án hình sự có quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm để tòa án cấp trên giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Với chế độ xét xử 2 cấp, sau khi tòa án cấp sơ thẩm xét xử và tuyên án, bị cáo, bị hại và các đương sự khác trong vụ án có quyền nộp đơn kháng cáo để tòa án cấp trên xét xử phúc thẩm.
Tuy nhiên người kháng cáo phải kháng cáo trong thời hạn quy định và có đủ các nội dung kháng cáo cần thiết.
-
Thời hạn kháng cáo
Căn cứ Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:
Điều 333. Thời hạn kháng cáo
- Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
- Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
- Ngày kháng cáo được xác định như sau:
- a) Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi;
- b) Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ nhận được đơn. Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải ghi rõ ngày nhận đơn và ký xác nhận vào đơn;
- c) Trường hợp người kháng cáo nộp đơn kháng cáo tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn. Trường hợp người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo.
Theo quy định trên, người kháng cáo phải nộp đơn kháng cáo trong thời hạn:
- 15 ngày kể từ ngày tuyên án
- 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết (nếu người kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm)
Nếu nộp đơn kháng cáo bằng đường bưu điện thì ngày kháng cáo là ngày đơn vị bưu chính nơi gửi đóng dấu lên bao thư.
-
Nộp đơn kháng cáo ở đâu
Căn cứ khoản 1 Điều 332 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:
Điều 332. Thủ tục kháng cáo
- Người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.
Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo.
Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
Tòa án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung.
Theo quy định trên, người kháng cáo nộp đơn kháng cáo cho một trong các cơ quan sau:
- Tòa án đã xét xử sơ thẩm: Có thể trình bày trực tiếp hoặc làm sẵn đơn để nộp;
- Tòa án cấp phúc thẩm: Có thể trình bày trực tiếp hoặc làm sẵn đơn để nộp;
- Bị cáo đang bị tạm giam thì nộp đơn cho Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ.
-
Nội dung đơn kháng cáo
Căn cứ khoản 2 Điều 332 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
- Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo;
- Lý do và yêu cầu của người kháng cáo;
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo;
- Bổ sung thêm chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo.