Người nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.
Theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Lao động, người nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam phải đáp ứng một số điều kiện nhất định, trong đó yêu cầu phải có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam không tuân thủ quy định này, nhận người nước ngoài vào làm việc mà không có giấy phép lao động có hiệu lực, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động nước ngoài. Thông thường sự việc chỉ được phát hiện và xử lý khi xảy ra tranh chấp lao động và vấn đề đặt ra là hợp đồng lao động của người nước ngoài không có giấy phép lao động có giá trị pháp lý không? Và việc không có giấy phép lao động ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động nước ngoài như thế nào?
-
Thời hạn của hợp đồng lao động theo giấy phép lao động
Pháp luật lao động có quy định về việc chuyển hóa loại hợp đồng lao động. Cụ thể Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau:
Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn…
Trước đây, Bộ luật Lao động năm 2012 cũng đã có quy định chuyển hóa loại hợp đồng lao động tương tự như trên. Do đó, nhiều trường hợp doanh nghiệp và người lao động nước ngoài đã giao kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Tuy nhiên, quy định trên không được áp dụng đối với người lao động nước ngoài và việc giao kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động nước ngoài là trái pháp luật. Bởi thời hạn hợp đồng lao động của người lao động nước ngoài bị giới hạn bởi thời hạn của giấy phép lao động. Bộ luật Lao động năm 2012 không quy định rõ nội dung này. Nhưng điều này đã được Bộ luật Lao động năm 2019 khắc phục tại khoản 2 Điều 151 như sau:
2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
-
Hợp đồng lao động vô hiệu
Các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ được quy định cụ thể tại Điều 49 Bộ luật Lao động năm 2019 bao gồm:
a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;
b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động …;
c) Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.
Như vậy, theo quy định trên, Bộ luật Lao động không quy định cụ thể trường hợp hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài mà không có giấy phép lao động bị vô hiệu hay không, và nếu vô hiệu thì thuộc trường hợp nào.
Xem xét thêm quy định tại Điều 153 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật. Nội dung này có thể hiểu nếu không có giấy phép lao động thì người nước ngoài không có quyền lao động tại Việt Nam và có thể bị buộc phải xuất cảnh hoặc trục xuất.
Thực tiễn xét xử cho thấy, tòa án đã có những phán quyết tuyên bố hợp đồng lao động ký với người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động là vô hiệu do vi phạm pháp luật về giấy phép lao động, và vi phạm điều cấm của luật theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự.
-
Hậu quả pháp lý của hợp đồng lao động vô hiệu
Theo Bộ luật Dân sự, hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm hợp đồng được xác lập và các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên, đối tượng của hợp đồng lao động là sức lao động. Sức lao động đã bán đi là không thể trả lại. Do đó, việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu khó có thể áp dụng quy định trên. Cụ thể, Điều 11 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn xử lý hợp đồng lao động vô hiệu như sau:
- Giao kết hợp đồng lao động mới theo đúng quy định pháp luật, trường hợp này người nước ngoài muốn giao kết hợp đồng mới phải đáp ứng được điều kiện về giấy phép lao động.
- Nếu không giao kết hợp đồng lao động mới: quyền lợi của người lao động nước ngoài được đảm bảo tính đến thời điểm hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu. Ngoài ra, doanh nghiệp phải trả cho người lao động một khoản tiền do hai bên thỏa thuận, nhưng cứ mỗi năm làm việc ít nhất bằng một tháng lương tối thiểu vùng.
Thực tiễn xét xử cho thấy, khi có tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì tòa án sẽ giải quyết theo hướng tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu do không có giấy phép lao động, thay cho việc giải quyết tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Và mặc dù hợp đồng lao động bị vô hiệu do không có giấy phép lao động nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả công cho người lao động nước ngoài với phần công việc đã thực hiện.