Hợp đồng là căn cứ làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên. Hợp đồng có hiệu lực khi đáp ứng được một số điều kiện nhất định
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Hợp đồng là một loại giao dịch dân sự làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên nếu hợp đồng vô hiệu thì không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao kết hợp đồng. Do vậy, để bảo vệ được quyền lợi của mình khi tham gia giao dịch dân sự, khi giao kết hợp đồng các bên cần lưu ý một số điểm quan trọng sau đây:
-
Chủ thể giao kết hợp đồng
Điều kiện để tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng, chủ thể giao kết hợp đồng phải có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.
Chủ thể giao kết hợp đồng cần phải được xem xét toàn diện, bao gồm 2 nội dung là tổ chức hoặc cá nhân là chủ thể giao kết hợp đồng và người đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân đó (trong trường hợp cá nhân có người đại diện). Người đại diện phải có đầy đủ thẩm quyền để đại diện chủ thể giao kết hợp đồng, thể hiện qua văn bản bổ nhiệm, công nhận người đại diện, văn bản ủy quyền.
-
Mục đích và nội dung của hợp đồng
Cá nhân, pháp nhân có quyền tự do, tự nguyện thỏa thuận xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình. Tuy nhiên, pháp luật dân sự có nguyên tắc là quyền dân sự có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Do vậy, mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
-
Sự tự do ý chí của các bên giao kết hợp đồng
Một nguyên tắc khác của pháp luật dân sự là cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
Các hành vi ép buộc, đe dọa, lừa dối để gây nhầm lẫn dẫn đến một bên giao kết hợp đồng trái với ý muốn của họ đều không được pháp luật chấp nhận.
Do vậy, chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.
-
Hình thức của hợp đồng
Pháp luật Việt Nam cho phép hợp đồng có thể được thể hiện bằng những hình thức sau:
- Bằng lời nói;
- Bằng văn bản;
- Bằng hành vi cụ thể.
Tuy nhiên, có một số hợp đồng đặc thù bắt buộc phải lập thành văn bản và được công chứng, chứng thực, đăng ký. Ví dụ như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bắt buộc phải được công chứng, chứng thực. Với những trường hợp này, hợp đồng vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
- Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
- Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.