Doanh nghiệp có nghĩa vụ trả lương đầy đủ và đúng hạn cho những ngày người lao động có làm việc thực tế tại doanh nghiệp
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Em đang thử việc cho công ty này được 2 tuần thì công ty mới họ gọi đi làm. Em thấy công ty mới tốt hơn nên em nghỉ ngang ở công ty này. Nhưng công ty này họ không trả lương, họ nói là do em nghỉ ngang không báo gì hết, với lại đang trong thời gian thử việc không có ràng buộc gì. Em muốn hỏi như vậy có đúng không?
-
Nghỉ việc khi chưa hết thời gian thử việc
Căn cứ khoản 2 Điều 27 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
Điều 27. Kết thúc thời gian thử việc
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Theo quy định trên, trong thời gian thử việc, cả doanh nghiệp và người lao động đều có quyền hủy bỏ hợp đồng lao động mà không cần báo trước, cũng không phải bồi thường.
Do đó, việc người lao động nghỉ ngang khi chưa hết thời gian nghỉ việc là phù hợp quy định pháp luật.
-
Tiền lương trong thời gian thử việc
Căn cứ khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
Điều 90. Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác
Theo quy định trên, doanh nghiệp phải trả lương để người lao động thực hiện công việc. Do đó, một khi người lao động đã có thực hiện công việc trên thực tế, thì tương ứng với đó là doanh nghiệp có nghĩa vụ trả lương cho thời gian, kết quả làm việc thực tế.
Nên việc doanh nghiệp không trả lương do người lao động nghỉ ngang trong thời gian thử việc là trái pháp luật.