Hiện nay, có một thực tế nhiều doanh nghiệp nắm được các quy định của pháp luật về lao động. Tuy nhiên vì lợi ích cá nhân của người chủ, mà doanh nghiệp đã cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định, gây bất lợi cho người lao động.
Trong bài viết này, chúng tôi tóm lược một số quy định chính của pháp luật lao động để người lao động có thể hiểu được quyền và lợi ích của mình khi làm việc, và đó có khả năng đưa ra các yêu cầu chính đáng cho doanh nghiệp nhằm mục đích tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Các loại hợp đồng lao động: Điều 22 Bộ luật Lao động
- HĐLĐ không xác định thời hạn
- HĐLĐ từ đủ 12 tháng đến 36 tháng
- HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng
Những việc Doanh nghiệp không được làm: Điều 20 Bộ luật Lao động
- Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của NLĐ.
- Yêu cầu NLĐ phải thực hiện bảo đảm bằng tài sản cho việc thực hiện HĐLĐ
Thử việc: Điều 26 Bộ luật Lao động
- NLĐ làm việc theo HĐLĐ mùa vụ thì không phải thử việc
- Chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc
- Tiền lương thử việc ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó
Làm công việc khác so với HĐLĐ: Điều 31 Bộ luật Lao động
- Doanh nghiệp được quyền tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm
- Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương công việc cũ
NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ: Điều 37 Bộ luật Lao động
- NLĐ làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn trong một số trường hợp. Đồng thời phải báo trước một khoảng thời gian nhất định
- NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm HĐLĐ, nhưng phải báo trước ít nhất 45 ngày
Trường hợp Doanh nghiệp không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ: Điều 39 Bộ luật Lao động
- NLĐ ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ quan y tế có thẩm quyền. Trừ trường hợp đã điều trị một thời gian nhất định mà khả năng lao động chưa hồi phục.
- NLĐ đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc được doanh nghiệp đồng ý
- NLĐ nữ kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi
- NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản
Tiền lương: Điều 90, 94 Bộ luật Lao động
- Mức lương của NLĐ không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định
- Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản ngân hàng
- Doanh nghiệp không được trả lương chậm quá 01 tháng.
- Nếu trả chậm thì phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả lương.
Lương làm thêm giờ: Điều 97 Bộ luật Lao động
- Vào ngày thường: ít nhất bằng 150%
- Vào ngày nghỉ hằng tuần: ít nhất bằng 200%
- Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lươn: ít nhất bằng 300% + tiền lương bình thường của những ngày này
- Làm việc vào ban đêm được trả thêm ít nhất 30%. Làm thêm giờ vào ban đêm được trả thêm 20%
Thời gian làm việc: Điều 104, 105, 106 Bộ luật Lao động
- Giờ làm việc bình thường: không quá 08 giờ/ngày và 48 giờ/tuần
- Giờ làm việc ban đêm: từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau
Bồi thường thiệt hại do NLĐ gây ra: Điều 130 Bộ luật Lao động
- NLĐ do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, thiệt hại với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng: NLĐ phải bồi thường tối đa 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương
- NLĐ làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép: NLĐ phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường.
Các hình thức kỷ luật lao động: Điều 125 Bộ luật Lao động
- Khiển trách.
- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng
- Cách chức.
- Sa thải
Nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động: Điều 123 Bộ luật lao động
- Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động
- Khi NLĐ đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất
- Doanh nghiệp phải chứng minh có sự vi phạm kỷ luật
- Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở
- NLĐ phải có mặt khi xử lý kỷ luật
- Phải có biên bản xử lý kỷ luật
Bị sa thải khi nào: Điều 126 Bộ luật Lao động
- Trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc hoặc một số hành vi khác
- Bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm
- Tự ý bỏ việc 05 ngày/tháng hoặc 20 ngày/năm mà không có lý do chính đáng
Một số quyền lợi của NLĐ nữ: Điều 155 Bộ luật Lao động
- Không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi
- Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động
- Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ 30 phút/ngày, vẫn được hưởng đủ tiền lương
- Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ 60 phút/ngày, vẫn được hưởng đủ tiền lương
Nghỉ thai sản: Điều 157 Bộ luật Lao động
- Nghỉ trước và sau khi sinh con 06 tháng. Nghỉ trước khi sinh tối đa 02 tháng
- Sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, được nghỉ thêm 01 tháng
Trở lại làm việc sau khi nghỉ thai sản: Điều 158 Bộ luật Lao động
- Được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ thai sản
- Nếu việc làm cũ không còn thì được bố trí việc làm khác với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản