Khoản chi của doanh nghiệp phải có phát sinh thực tế và tuân thủ các quy định pháp luật mới có thể được chấp nhận là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Thông tư số 96/2015/TT-BTC.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Luật sư TLT ơi cho em hỏi, bên nhân sự công ty em có đề xuất trả tiền nghỉ phép còn dư cho một số nhân viên. Em làm kế toán đang phân vân là tiền này có hợp lý, hợp lệ được trừ khi quyết toán thuế TNDN không ạ?
Căn cứ khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
Điều 113. Nghỉ hằng năm
3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Theo quy định trên, việc doanh nghiệp trả tiền cho người lao động chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm là tuân thủ đúng pháp luật lao động. Như vậy, đây là khoản chi hợp lý.
Tuy nhiên, khi chi các khoản tiền này, doanh nghiệp cần lưu ý các nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 96/2015/TT-BTC như sau:
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý:
- Khoản chi này phải phát sinh thực tế và liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh
- Có đầy đủ chứng từ hợp pháp về việc chi tiền, cũng như hồ sơ làm việc của người lao động phải đầy đủ theo quy định pháp luật