Sa thải là một chế tài xử lý kỷ luật lao động. Người lao động bị sa thải có thể được nhận trợ cấp gì hay không?
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau: anh chị cho em hỏi nếu nhân viên bị sa thải thì có được công ty trợ cấp gì không? Vì công ty em làm không trả gì cho nhân viên hết.
Theo quy định hiện hành, ngoài các chế độ do bảo hiểm chi trả, người lao động sẽ được công ty chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm khi chấm dứt hợp đồng lao động:
Cụ thể căn cứ Điều 46, 47 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
Điều 46. Trợ cấp thôi việc
- Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 47. Trợ cấp mất việc làm
- Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
- Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo các quy định trên, người lao động được trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc nếu chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9, 10, 11 Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019.
Trong khi đó, sa thải là một chế tài do người lao động vi phạm kỷ luật lao động. Nên bị chấm dứt hợp đồng lao động theo khoản 8 Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019.
Do vậy, người lao động bị kỷ luật sa thải sẽ không được công ty chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc.
Người lao động bị sa thải vẫn được hưởng các chế độ khác như hưởng lương đầy đủ, trợ cấp thất nghiệp, được chốt bảo hiểm xã hội theo quy định.