Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến và lập. Vi bằng không phải là văn bản công chứng, chứng thực
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Công chứng năm 2014;
- Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
Hiện nay, vi bằng được người dân sử dụng phổ biến khi thực hiện các giao dịch dân sự. Vi bằng do Thừa phát lại lập trên cơ sở sự kiện, hành vi có thật. Do vậy, vi bằng là nguồn chứng cứ đáng tin cậy được tòa án xem xét khi giải quyết vụ án.
-
Tầm quan trọng và nội dung của vi bằng
Chính bởi vi bằng có giá trị pháp lý đặc biệt như vậy, nên nội dung vi bằng cần có những nội dung chính được quy định tại Điều 40 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, bao gồm:
- Tên, địa chỉ Văn phòng Thừa phát lại; họ, tên Thừa phát lại lập vi bằng;
- Địa điểm, thời gian lập vi bằng;
- Họ, tên, địa chỉ người yêu cầu lập vi bằng;
- Họ, tên người tham gia khác (nếu có);
- Nội dung yêu cầu lập vi bằng; nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận;
- Lời cam đoan của Thừa phát lại về tính trung thực và khách quan trong việc lập vi bằng;
- Chữ ký của Thừa phát lại, dấu Văn phòng Thừa phát lại, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người yêu cầu, người tham gia khác (nếu có) và người có hành vi bị lập vi bằng (nếu họ có yêu cầu).
Vi bằng có từ 02 trang trở lên thì từng trang phải được đánh số thứ tự; vi bằng có từ 02 tờ trở lên phải được đóng dấu giáp lai giữa các tờ.
Ngoài ra, do tính chất quan trọng của vi bằng, nên trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, văn phòng thừa phát lại phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi văn phòng thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký vi bằng.
-
Mua bán nhà đất chỉ lập vi bằng?
Văn bản công chứng và vi bằng là 2 loại giấy tờ hoàn toàn khác nhau và do 2 cơ quan khác nhau tạo lập:
- Văn bản công chứng do tổ chức hành nghề công chứng lập;
- Vi bằng do văn phòng thừa phát lại lập.
Ngoài ra, căn cứ Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
Về mặt thủ tục, thừa phát lại và công chứng viên đều ghi nhận việc các bên trong giao dịch dân sự đã tự mình đọc, hiểu và ký tên trên vi bằng hoặc văn bản công chứng. Tuy nhiên, căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014, một văn bản được công chứng còn thể hiện rằng nội dung văn bản đó được công nhận tính hợp pháp và không trái đạo đức xã hội.
Do vậy, người dân không thể dùng vi bằng để xác lập giao dịch dân sự thay cho việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
Do vậy khi giao dịch chuyển nhượng đất đai, nhà ở, các bên cần phải tuân thủ các quy định về công chứng, chứng thực, mà không được thay thế bởi vi bằng.