Chịu ảnh hưởng bởi dịch covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nợ lương nhân viên. Nhân viên có được đơn phương nghỉ việc hay không?
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14.
Chúng tôi nhận được câu hỏi của khách hàng như sau: Công ty tôi từ đợt dịch thứ 3 đến nay hoạt động cầm chừng, đơn hàng ít hơn trước, nên công ty chỉ trả được lương cơ bản. Nhưng 2 tháng nay, công ty vẫn chưa trả lương. Tôi muốn nghỉ để tìm chỗ khác tốt hơn.
-
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là một trong những quyền của người lao động. Về cơ bản người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải có lý do, căn cứ theo khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động như sau:
Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
-
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị nợ lương
Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 nêu trên, khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải thông báo trước cho doanh nghiệp một khoảng thời gian là 3 ngày hoặc 30 ngày hoặc 45 ngày tùy thuộc vào loại hợp đồng lao động đang làm việc.
Tuy nhiên với trường hợp bị nợ lương, người lao động không có nghĩa vụ phải thông báo trước. Cụ thể theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động như sau:
Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
Căn cứ khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động như sau:
Điều 97. Kỳ hạn trả lương
4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Theo quy định trên, doanh nghiệp có thể trả lương chậm không quá 30 ngày nếu vì lý do bất khả kháng và đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể trả lương đúng hạn. Do đó, trường hợp này người lao động vẫn cần thông báo trước cho doanh nghiệp trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đồng lao động.
Trong câu hỏi cụ thể của khách hàng, công ty đã nợ lương 2 tháng. Vì vậy, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần thông báo trước cho doanh nghiệp.