Ủy quyền là giao dịch rất phổ biến trong xã hội, được thực hiện nhiều trong các giao dịch liên quan đến đất đai như đặ cọc, chuyển nhượng, thực hiện thủ tục hành chính
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Luật Đất đai năm 2013.
Căn cứ Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 về hợp đồng ủy quyền như sau:
Hợp đồng uỷ quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo quy định trên, việc ủy quyền là để thực hiện công việc thay mặt cho người khác. Vậy có thể ủy quyền để người khác đứng tên hộ trên sổ hồng, sổ đỏ không?
Căn cứ Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai quy định về sổ hồng, sổ đỏ như sau:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Theo quy định trên, sổ hồng, sổ đỏ là giấy tờ xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà của cá nhân, tổ chức đối với nhà đất. Người có tên trên sổ hồng, sổ đỏ thì được hiểu là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất.
Như vậy, việc ủy quyền là để thực hiện công việc thay mặt cho người khác. Trong khi đó, sổ hồng, sổ đỏ là loại giấy tờ công nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu, và việc đứng tên trên sổ hồng, sổ đỏ là thể hiện sự công nhận của Nhà nước về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất, đây không được xem là một công việc.
Do đó, việc đứng tên thay mặt cho người khác trên sổ hồng, sổ đỏ là trái pháp luật. Việc thỏa thuận để người khác đứng tên thay trên sổ hồng, sổ đỏ có thể dẫn đến một số rủi ro như:
- Người được uỷ quyền không sang tên sổ hồng, sổ đỏ lại cho người uỷ quyền, không trả lại tài sản cho người uỷ quyền, từ đó dẫn đến tranh chấp
- Khi xảy ra tranh chấp nhà đất, việc xác định chủ sử dụng, sở hữu thực sự của nhà đất sẽ gặp khó khăn
- Người được uỷ quyền đứng tên trên sổ hồng, sổ đỏ có thể tự ý quyết định việc sử dụng, định đoạt nhà đất (như cho thuê, chuyển nhượng, tặng cho…) trái với ý chí của người ủy quyền
- Sự việc sẽ phức tạp hơn khi người được ủy quyền mất và phát sinh vấn đề thừa kế di sản mà họ để lại