Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Nhưng sau khi đã nộp đơn thôi việc, người lao động thay đổi quyết định rút lại đơn được không?
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.
Nhiều người lao động đã nộp đơn thôi việc, nhưng sau đó thay đổi quyết định không muốn nghỉ việc nữa. Vậy việc rút đơn thôi việc đã nộp được xử lý thế nào?
-
Phải nộp đơn thôi việc trước bao nhiêu ngày?
Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động muốn thôi việc phải báo trước cho người lao động một thời gian tối thiểu nhất định, trừ các trường hợp đặc biệt có thể thôi việc ngay mà không cần báo trước.
Tuy nhiên, pháp luật lao động hiện hành không quy định việc báo trước phải được thực hiện bằng hình thức nào? Do đó, có thể người lao động có thể thông báo bằng đơn từ, bằng email, bằng tin nhắn, bằng lời nói.
Hình thức thông báo bằng đơn từ được đa số người lao động lựa chọn, đây cũng là hình thức được khuyến nghị nên áp dụng. Vì vậy, người lao động nên làm đơn thôi việc để thông báo trước đến doanh nghiệp.
Căn cứ khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 và Điều 7 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, thời hạn thông báo trước đối với từng trường hợp cụ thể như sau:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: báo trước ít nhất 45 ngày;
- Hợp đồng lao động từ 12 tháng đến 36 tháng: báo trước ít nhất 30 ngày;
- Hợp đồng lao động dưới 12 tháng: báo trước ít nhất 03 ngày làm việc.
Riêng các trường hợp người lao động làm các công việc như thành viên tổ lái tàu bay, quản lý bay, người quản lý doanh nghiệp,…:
- Hợp đồng lao động không xác didnhjj thời hạn hoặc hợp đồng lao động từ 12 tháng đến 36 tháng: báo trước ít nhất 120 ngày;
- Hợp đồng lao động dưới 12 tháng: báo trước ít nhất ¼ thời hạn của hợp đồng lao động.
-
Rút đơn thôi việc đã nộp như thế nào?
Trên nền tảng của pháp luật dân sự, pháp luật lao động cho phép các bên trong quan hệ lao động tự do thỏa thuận xác lập, thay đổi và chấm dứt hợp đồng lao động. Do vậy khi người lao động đã nộp đơn thôi việc, họ cũng có thể rút lại đơn đã nộp để hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải đáp ứng điều kiện nhất định.
Cụ thể Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
Điều 38. Hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Mỗi bên đều có quyền hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hết thời hạn báo trước nhưng phải thông báo bằng văn bản và phải được bên kia đồng ý.
Theo quy định trên, nếu người lao động thay đổi quyết định, muốn tiếp tục hợp đồng lao động thì người lao động phải làm văn bản (đơn từ) thông báo cho doanh nghiệp biết về việc rút lại đơn thôi việc và hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Đồng thời phải có sự đồng ý của doanh nghiệp thì người lao động mới có thể hủy việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của mình.