Khi người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc, doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên phải đả bảo tuân thủ quy định pháp luật để tránh các rủi ro không đáng có.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật lao động;
- Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.
Thực tiễn nhiều tranh chấp lao động xuất phát từ việc doanh nghiệp xây dựng quy trình đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động chưa đảm bảo an toàn pháp lý, thậm chí có doanh nghiệp áp dụng hình thức đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thay vì phải áp dụng hình thức kỷ luật lao động.
Hiện nay, pháp luật lao động không quy định quy trình, thủ tục để NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày quy trình chung để NSDLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này để quý khách tham khảo áp dụng.
Bước 1. Tổ chức cuộc họp để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của NLĐ
Đây là bước rất quan trọng để NSDLĐ đưa ra quyết định có đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ hay không. Đây cũng là bước có nhiều rủi ro nhất đối với NSDLĐ. Do đó cuộc họp này nên có sự tham gia của NLĐ, tổ chức đại diện tập thể lao động. Nội dung cuộc họp cần được ghi nhận đầy đủ và lập thành văn bản.
Pháp luật không quy định NSDLĐ phải thực hiện bước này, tuy nhiên qua bước này sẽ giúp NSDLĐ củng cố chứng cứ để chứng minh cho quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ của mình. Các chứng cứ cần phải rõ ràng. Việc đánh giá cần xác đáng và dựa trên quy chế, tiêu chí cụ thể.
Hiện nay, pháp luật lao động không có hướng dẫn xây dựng quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của NLĐ, ngoại trừ quy định chung tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP:
1. Người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở
Bước 2. Thông báo đơn phương chấm dứt HĐLD
Sau khi họp đánh giá mức độ hoàn thành công việc của NLĐ, nếu NSDLĐ vẫn quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, NSDLĐ cần phải thông báo trước cho NLĐ biết về việc này.
Quy định về thời hạn thông báo trước được quy định tại Khoản 2 Điều 38 Bộ luật lao động.
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:
a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng
Bước 3. Ban hành quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ
Quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Tuy nhiên, quyết định này nên thể hiện các nội dung cấn thiết tối thiểu như: ngày chấm dứt HĐLĐ, lý do chấm dứt, nghĩa vụ thanh toán các quyền lợi (lương, bổi thường… ) của các bên.
Bước 4. Thực hiện các nghĩa vụ của NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ
Đây là bước được áp dụng với mọi trường hợp chấm dứt HĐLĐ và được quy định tại Điều 47 Bộ luật lao động.
Trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ phải thanh toán các khoản có liên quan đến quyền lợi của NLĐ như tiền lương, ngày phép chưa nghỉ, trợ cấp thôi việc ….; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Ngoài ra, NSDLĐ phải hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác cho NLĐ.