Trong quan hệ thương mại, ngoài hợp đồng, các bên có thể giao kết thêm phụ lục hợp đồng để giải thích hợp đồng hoặc cụ thể hóa các thỏa thuận trong hợp đồng
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Về nguyên tắc, nội dung của phụ lục hợp đồng phải thống nhất, không có mâu thuẫn với hợp đồng chính. Phụ lục hợp đồng cũng là thỏa thuận của các bên, nên có hiệu lực như hợp đồng.
Tuy nhiên, nếu cùng một vấn đề, mà nội dung của phụ lục mâu thuẫn với nội dung hợp đồng thì nội dung nào được áp dụng?
Căn cứ khoản 2 Điều 403 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Điều 403. Phụ lục hợp đồng
2. Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.
Theo quy định trên, nếu có mâu thuẫn giữa hợp đồng chính và phụ lục thì:
- Mặc nhiên nội dung của phụ lục sẽ không có hiệu lực, nội dung của hợp đồng sẽ được ưu tiên áp dụng, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
- Nếu các bên chấp nhận phụ lục có nội dung trái với hợp đồng thì đây được coi là hai bên đã có thỏa thuận sửa đổi hợp đồng chính; và nội dung của phụ lục sẽ được áp dụng.