Trong quá trình giải quyết vụ án, các bên có quyền yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, vấn đề này còn gây nhiều tranh cãi về điều kiện áp dụng và làm sao để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đương sự.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13.
-
Thẩm phán ra quyết định cấm Công ty thay đổi người đại diện theo pháp luật
Năm 2019, Công ty A khởi kiện yêu cầu Công ty B thanh toán tiền hàng theo hợp đồng và tiền lãi chậm thanh toán. Vụ án được Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An thụ lý.
Trong quá trình giải quyết vụ án, để đảm bảo quá trình giải quyết vụ án và tạo áp lực cho Công ty B, Công ty A đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm Công ty B thay đổi người đại diện theo pháp luật theo Điêu 127 Bộ luật Tố tụng dân sự:
Điều 127. Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định
Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết.
Thẩm phán giải quyết vụ án đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của Công ty B và được Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Hòa ra quyết định thi hành án.
-
Chánh án ra quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Sau khi bị áp dụng biện pháp cấm thay đổi người đại diện theo pháp luật, Công ty B khiếu nại yêu cầu tòa án hủy bỏ quyết định của thẩm phán.
Chánh án tòa án nhân dân huyện Đức Hòa có quyết định giải quyết chấp nhận khiếu nại của Công ty B, hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của thẩm phán giải quyết vụ án.
Như vậy, có thể thấy, trong vụ án này, chánh án giải quyết khiếu nại nhận định đây là tranh chấp hợp đồng mua bán, việc Công ty B thay đổi người đại diện theo pháp luật không làm thay đổi tư cách pháp nhân và không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của Công ty B. Do đó không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Công ty A yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng không chứng minh được quyền lợi của mình bị xâm phạm hoặc có khả năng bị xâm phạm trong quá trình giải quyết vụ án.