Việc làm thêm giờ phải có sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, người lao động bắt buộc phải làm thêm giờ
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14;
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.
Làm thêm giờ là làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động. Thông thường khi tổ chức làm thêm giờ thì doanh nghiệp cần phải có sự đồng ý của người lao động và phải có sự giới hạn về số giờ làm thêm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, người lao động không được từ chối làm thêm giờ.
-
Trường hợp bắt buộc phải làm thêm giờ
Theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động, Doanh nghiệp có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau:
1. Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
2. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
Như vậy, với 2 trường hợp trên, doanh nghiệp có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ và người lao động bắt buộc phải thực hiện.
-
Thỏa thuận làm thêm giờ
Ngoài 2 trường hợp người lao động bắt buộc phải làm thêm giờ nêu trên, theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, việc làm thêm giờ cần có sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động về các nội dung sau:
- Thời gian làm thêm;
- Địa điểm làm thêm;
- Công việc làm thêm.
Doanh nghiệp có thể tham khảo mẫu thỏa thuận làm thêm giờ tại đây.