Người điều khiển phương tiện giao thông khi xảy ra tai nạn không được bỏ trốn và phải cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật giao thông đường bộ số 23/2008/QH12.
Khi gây ra vụ tai nạn giao thông, chắc chắc người gây ra tai nạn sẽ hoang mang, bối rối, khó có thể bình tĩnh để xử lý một cách tốt nhất, và có thể sẽ có những hành động không có lợi cho người bị thiệt hại và chính người gây ra tai nạn.
Pháp luật đã có quy định rất cụ thể trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông khi xảy ra tai nạn tại khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ như sau:
Điều 38. Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông
1. Người điều khiển phương tiệnvà những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứuhoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;
c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Từ các quy định trên, khi lâm vào hoàn cảnh này điều tốt nhất là giữ bình tĩnh nhất có thể và thực hiện 4 việc sau đây:
- Không bỏ trốn
- Cấp cứu người bị nạn
- Giữ nguyên hiện trường và chờ công an đến giải quyết
- Thông báo cho công ty bảo hiểm
Cụ thể như sau:
-
Không bỏ trốn
Khi gây ra tai nạn, việc ở lại hiện trường để giải quyết vụ tai nạn giao thông là rất quan trọng, bởi lẽ:
- Thứ nhất: Để thực hiện trách nhiệm của người gây tai nạn, trong đó đầu tiên là phải cấp cứu người bị nạn. Việc này phải thực hiện càng sớm càng tốt để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người bị nạn.
- Thứ hai: Để cung cấp thông tin về vụ tai nạn, giúp cơ quan công an điều tra vụ tai nạn giao thông, điều tra về nguyên nhân tai nạn, lỗi của các bên, xác định thiệt hại…
- Thứ ba: Nếu vụ án có dấu hiệu hình sự, thì việc người gây ra tai nạn bỏ trốn có thể bị xem là một tình tiết định khung với mức hình phạt nặng hơn so với khung hình phạt thấp nhất của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
- Thứ tư: Nếu bỏ trốn thì công ty bảo hiểm có thể dựa vào tình tiết này để từ chối bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
-
Cấp cứu người bị nạn
Việc cấp cứu nhanh chóng và đúng cách và gọi cấp cứu sẽ giúp bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người bị nạn. Đây là trách nhiệm của người gây tai nạn.
Đặc biệt, trường hợp vụ tai nạn có dấu hiệu hình sự mà có lỗi của người gây tai nạn thì ngoài việc cấp cứu nhanh chóng thì việc thăm hỏi, chăm sóc người bị tai nạn cũng là một tình tiết để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho người gây tai nạn.
-
Giữ nguyên hiện trường và chờ cơ quan công an đến giải quyết
Nếu không mời cơ quan chức năng vào cuộc để ghi nhận và điều tra vụ việc thì sau này giải quyết trách nhiệm bồi thường giữa các bên sẽ gặp khó khăn nếu các bên không thương lượng được, đặc biệt nhiều trường hợp một bên cố tình gây khó khăn, đòi hỏi số tiền không hợp lý, hoặc một bên lại giữ tài sản của người khác.
Ngoài ra, khi có tai nạn giao thông, việc xác định lỗi của các bên trong vụ tai nạn rất quan trọng. Lỗi là căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường dân sự và trách nhiệm hình sự. Việc xác định lỗi của các bên trong vụ tai nạn có thể sẽ có khó khăn do tình trạng vi phạm pháp luật an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam không hiếm gặp, đặc biệt là các hành vi như vượt đèn đỏ, lấn làn, lấn tuyến, chạy quá tốc độ. Có thể là lỗi một bên hoặc lỗi ở cả hai bên.
Do đó việc có cơ quan công an vào cuộc xác minh, điều tra sẽ rất quan trọng, làm cơ sở để giải quyết bồi thường giữa các bên, và cũng là cơ sở để công ty bảo hiểm xác định trách nhiệm bồi thường bảo hiểm.
Trong trường hợp nếu người gây tai nạn đưa người bị thương đi cấp cứu, họ không thể chờ cơ quan công an đến giải quyết, thì sau khi đưa người bị nạn đi cấp cứu, người gây tai nạn phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.
-
Thông báo cho công ty bảo hiểm
Bảo hiểm trong trường hợp này, thường sẽ là 2 loại bảo hiểm là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và bảo hiểm tự nguyện vật chất xe.
Các công ty bảo hiểm luôn yêu cầu người tham gia bảo hiểm phải thông báo ngay khi xảy ra vụ tai nạn giao thông. Và họ thường sẽ áp dụng các mức khấu trừ với lý do thông báo trễ. Hoặc các lý do khác có thể phát sinh do việc thông báo trễ gây ra.
Vì vậy cần hết sức lưu ý để tránh việc thông báo tai nạn trễ, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm của chủ xe.
Trên hết cần tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông để tránh các rủi ro không đáng có.