Những người không có tên trong di chúc nhưng nếu có mối quan hệ ruột thịt gần vẫn có thể được hưởng thừa kế của người đã chết.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Luật Công chứng năm 2014.
Nguyên tắc cơ bản của pháp luật thừa kế là dựa trên mối quan hệ huyết thống và nuôi dưỡng. Vì vậy, một người có quan hệ huyết thống gần gũi với người đã chết vẫn có thể được hưởng một phần di sản của người đã chết để lại mặc dù theo di chúc thì họ không được hưởng.
-
Người vẫn được hưởng thừa kế dù không có trong di chúc là ai?
Căn cứ Điều 644 của Bộ luật Dân sự năm 2015, có 6 người được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, bao gồm:
- Cha của người để lại di sản
- Mẹ của người để lại di sản
- Vợ của người để lại di sản
- Chồng của người để lại di sản
- Con chưa thành niên của người để lại di sản
- Con thành niên mà không có khả năng lao động của người để lại di sản
Theo quy định trên, cho dù di chúc của người đã chết không cho 6 người nêu trên hưởng thừa kế, nhưng do họ có quan hệ huyết thống gần hoặc không có khả năng lao động, nên những người này vẫn được hưởng di sản thừa kế của người đã chết.
Tuy nhiên, nếu 6 người nêu trên sẽ không được hưởng thừa kế nếu:
- Họ có văn bản từ chối nhận di sản thừa kế
- Hoặc họ bị truất quyền thừa kế (do có hành vi vi phạm pháp luật như cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe người để lại di sản hoặc của những người đồng thừa kế khác, …)
-
Mức hưởng thừa kế của người không có tên trong di chúc
Căn cứ Điều 644 của Bộ luật Dân sự năm 2015, 6 người nêu trên mà không có tên trong di chúc (không được hưởng thừa kế theo di chúc) thì sẽ được hưởng một phần di sản là 2/3 suất của một người thừa kế nếu chia đều theo pháp luật.
Trường hợp di chúc cho họ được hưởng ít hơn 2/3 suất thì họ sẽ được hưởng thêm để bằng 2/3 suất của một người thừa kế nếu chia đều theo pháp luật.
-
Thủ tục hưởng thừa kế theo di chúc
Để hưởng di sản thừa kế, những người thừa kế phải cùng nhau thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế và phân chia di sản thừa kế theo di chúc.
Những người thừa kế có thể đến tổ chức hành nghề công chứng để khai nhận và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Các giấy tờ cần chuẩn bị:
- Giấy tờ chứng minh di sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của người để lại di sản như: sổ đỏ, sổ hồng, sổ tiết kiệm, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận cổ phần, …
- Giấy chứng tử của người để lại di sản hoặc bản sao trích lục khai tử
- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người chết và những người thừa kế: giấy khai sinh, giấy khai tử (nếu có người thừa kế đã chết)
Tổ chức hành nghề công chứng sẽ kiểm tra giấy tờ, soạn thảo văn bản khai nhận di sản thừa kế và niêm yết tại UBND cấp xã nơi có tài sản trong thời hạn 15 ngày.
Hết thời hạn 15 ngày mà không có cá nhân nào khác tranh chấp về vấn đề thừa kế thì tổ chức hành nghề công chứng sẽ công chứng văn bản khai nhận thừa kế, công chứng văn bản phân chia di sản thừa kế.