Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác có quyền có lối đi hợp lý dẫn ra đường công cộng
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Luật Đất đai năm 2013.
-
Quy định về lối đi qua
Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề là một quyền rất quan trọng của người sử dụng bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản khác. Điều này được Bộ luật Dân sự khẳng định tại Điều 254 như sau:
Điều 254. Quyền về lối đi qua
1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.
Như vậy, quyền về lối đi qua chỉ phát sinh khi bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản khác dẫn đến không có lối nào để ra đường công cộng. Khi tiến hành mở lối đi thì tất cả chủ sở hữu bất động sản liên quan cần thỏa thuận về vị trí mở lối đi, chiều rộng, chiều cao… của lối đi để bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các chủ sở hữu có bất động sản bị ảnh hưởng. Khi đó, người được mở lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản bị ảnh hưởng, trừ khi giữa các chủ sở hữu bất động sản có thỏa thuận khác.
Trong trường hợp các bên tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lối đi qua.
-
Trình tự giải quyết tranh chấp lối đi
Tranh chấp về lối đi qua có nhiều dạng, mỗi dạng lại có các tình tiết khác nhau nhưng đều có điểm chung là những người sử dụng đất phía ngoài không đồng ý cho người sử dụng đất bị vây bọc được đi qua. Ngoài ra tranh chấp này thường đi kèm với tranh chấp về quyền sử dụng đất nên rất phức tạp. Thủ tục giải quyết được thực hiện như sau:
Bước 1: Hòa giải cấp cơ sở
Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp lối đi qua theo hướng tự hòa giải hoặc thông qua hòa giải ở UBND cấp xã nơi có bất động sản.
Nếu các bên không tự hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có bất động sản để hòa giải tranh chấp.
Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn. Kết quả hòa giải khi giải quyết tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản.
Bước 2: Khởi kiện giải quyết tranh chấp tại Tòa án
Cá nhân, tổ chức có tranh chấp về lối đi qua mà hòa giải tại UBND cấp xã không thành công thì có quyền nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân nơi có bất động sản.
Trình tự giải quyết tranh chấp về lối đi qua tại Tòa án nhân dân được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.