Hợp đồng lao động là một căn cứ để giải quyết quyền và nghĩa vụ của người lao động nên phải đảm bảo đầy đủ những nội dung cần thiết
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi của khách hàng như sau: Vừa qua em phát hiện một số hợp đồng lao động của công ty ghi thiếu thời hạn trả lương. Tuy nhiên công ty vẫn trả lương đầy đủ và đều mỗi tháng, không bị trễ lương. Em muốn hỏi hợp đồng không ghi rõ thời hạn trả lương thì có vấn đề gì không?
-
Những nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động là một trong những cơ sở để giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động. Trong một số trường hợp nhất định, hợp đồng lao động còn phải được lập bằng văn bản để có sự minh bạch và rõ ràng. Do vậy, khi lập hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải bảo đảm đầy đủ một số nội dung quan trọng.
Cụ thể, căn cứ khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
- a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
- b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
- c) Công việc và địa điểm làm việc;
- d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
- đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
- e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
- g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
- i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
- k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Theo quy định trên, thời hạn trả lương là một nội dung cần phải có trong hợp đồng lao động để bảo đảm có căn cứ xác định thời hạn thực hiện nghĩa vụ trả lương của doanh nghiệp.
-
Hợp đồng không có thời hạn trả lương bị phạt thế nào?
Việc hợp đồng lao động không ghi rõ thời hạn trả lương có thể dẫn đến tranh chấp lao động do không có thời hạn thực hiện rõ ràng dẫn đến quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo.
Vì vậy, trong trường hợp này, doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động” theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP như sau:
Điều 9. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên; giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động; giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
- a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- đ) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Cần lưu ý:
- Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, mức phạt nêu trên được áp dụng cho trường hợp cá nhân sử dụng lao động có hành vi vi phạm.
- Trường hợp nếu người vi phạm là doanh nghiệp, tổ chức thì mức phạt bằng 02 lần mức phạt nêu trên: từ 4.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.