Doanh nghiệp đã nhập hàng hóa, nhưng người bán lập hóa đơn trễ thì được khấu trừ thuế không và hồ sơ cần những gì?
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Thông tư số 96/2015/TT-BTC;
- Công văn số 2104/TCT-KK ngày 06/6/2014 của Tổng cục Thuế;
- Công văn số 2731/TCT-CS ngày 20/6/2016 của Tổng cục Thuế.
Về nguyên tắc, người bán phải lập hóa đơn bán hàng vào thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hoá cho người mua, không phân biệt đã thu tiền hay cho công nợ.
Tuy nhiên, nhiều người bán chần chừ không lập hóa đơn bán hàng theo quy định do người mua chưa thanh toán đủ tiền hàng. Dẫn đến, doanh nghiệp mua hàng đã hạch toán nhập kho nhưng chưa thể hạch toán thuế giá trị gia tăng. Trường hợp này, doanh nghiệp mua hàng vẫn có thể tính vào chi phí được trừ, cũng như khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Cụ thể, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 2104/TCT-KK ngày 06/6/2014 và Công văn số 2731/TCT-CS ngày 20/6/2016 hướng dẫn như sau:
Trường hợp Công ty mua nguyên vật liệu chính của nhà cung cấp để phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng nhà cung cấp không lập hóa đơn theo quy định (cụ thể: giao hàng tháng trước, nhưng lập hóa đơn vào tháng sau) thì Công ty tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với số hóa đơn nêu trên.
Công ty có các hồ sơ, tài liệu cần có:
- Báo giá,
- Hợp đồng kinh tế
- Biên bản bàn giao (trong tháng giao nhận thực tế)
Nhà cung cấp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm
Trường hợp Ban quản lý mua hàng hóa từ các nhà cung cấp. Tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan làm chậm thanh toán tiền hàng dẫn đến nhà cung cấp không xuất hóa đơn GTGT khi giao hàng/thanh lý hợp đồng thì Ban quản lý được kê khai, hoàn thuế đối với những hóa đơn GTGT hàng hóa mua vào do người bán lập sai thời điểm nếu các hóa đơn này có đủ điều kiện khấu trừ theo quy định.
Các đơn vị cung cấp hàng hóa bị xử phạt về hành vi sử dụng hóa đơn.