Chủ đất cần có biện pháp bảo vệ đất đai thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, nếu để người khác lấn chiếm sẽ gặp khó khăn để đòi lại đất.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Đất đai năm 2013;
- Nghị định số 91/2019/NĐ-CP;
- Nghị định số 16/2022/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Chào luật sư, hồi năm 2022 tôi có mua miếng đất ở Đức Hòa, Long An. Nhưng do làm việc ở TPHCM nên nửa năm tôi mới ghé thăm đất 1 lần, tháng rồi tôi xuống thì thấy có nhà bên cạnh làm nhà xây lấn đất của tôi 20cm. Tôi nói họ phải tháo dỡ để trả lại đất cho tôi mà chưa được. Giờ tôi chưa biết làm gì.
Căn cứ khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 như sau:
Điều 170. Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất
- Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo quy định trên, chủ đất phải sử dụng đúng ranh giới phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình. Nên bất kỳ hành vi lấn chiếm đất nào đều là trái pháp luật.
Trường hợp chủ đất nhận thấy cá nhân, tổ chức khác lấn chiếm đất của mình thì có thể tiến hành các biện pháp dưới đây:
-
Thương lượng, hòa giải
Về nguyên tắc xử lý các vụ việc dân sự, pháp luật luôn đề cao, khuyến khích các cá nhân, tổ chức có tranh chấp tự hòa giải, thương lượng giải quyết.
Vì vậy, các bên nên chủ động thương lượng và hòa giải. Nếu hòa giải thành công thì nên lập văn bản ghi nhận các thỏa thuận đã đạt được để làm căn cứ thực hiện. Nội dung hòa giải nên bao gồm các nội dung chính sau đây:
- Tọa độ ranh giới thửa đất;
- Số tiền bồi thường, hỗ trợ (nếu có) giữa hai bên để tháo dỡ tài sản trên đất;
- Thời gian để các bên hoàn thành các cam kết đã thỏa thuận.
-
Yêu cầu xử phạt hành chính người lấn chiếm đất
Chủ đất bị người khác lấn chiếm đất có thể nộp đơn đến cơ quan chức năng để yêu cầu xử lý người có hành vi xây dựng nhà ở lấn sang diện tích đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của họ.
Người có hành vi lấn chiếm đất có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về:
- Hành vi lấn, chiếm đất theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP;
- Và hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP.
Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt tiền, phải phá dỡ phần công trình xây dựng vi phạm, và phải trả lại đất đã lấn, chiếm.
-
Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai
Để yêu cầu cơ quan Nhà nước giải quyết tranh chấp đất đai và đòi lại đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, người bị lấn chiếm đất căn cứ Điều 202, 203 Luật Đất đai năm 2013 thực hiện các bước sau đây:
- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã nơi có đất bị lấn chiếm để đòi lại đất;
- Nếu UBND cấp xã hòa giải không thành, người sử dụng đất tiếp tục nộp đơn khởi kiện tranh chấp đất đai đến tòa án nhân dân có thẩm quyền tại nơi có đất bị lấn chiếm.