Chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi của khách hàng liên quan đến mốc giới do các hộ gia đình tự cắm nhằm phân chia đất đai như sau:
Khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì các hộ gia đình đều ký giáp ranh. Nhưng đến nay, những người thừa kế của các hộ gia đình xảy ra tranh chấp và không thừa nhận mốc giới do cha mẹ đã cắm trước đây. Vậy những mốc giới đó có giá trị pháp lý không?
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13;
- Luật Đất đai số 45/2013/QH13.
-
Giá trị pháp lý của mốc giới
Ranh giới giữa các bất động sản được quy định tại Khoản 1 Điều 175 và Điều 176 Bộ luật Dân sự như sau:
Điều 175. Ranh giới giữa các bất động sản
1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thoả thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.
Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.
Điều 176. Mốc giới ngăn cách các bất động sản
1. Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.
2. Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thoả thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.
Trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thoả thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.
3. Đối với mốc giới là tường nhà chung, …
Đối với cây là mốc giới chung, …
Theo các quy định trên, Nhà nước tôn trọng sự thỏa thuận của các hộ gia đình, cá nhân trong việc phân chia ranh giới quyền sử dụng đất.
Do đó, trong trường hợp các hộ gia đình, cá nhân đã tự cắm mốc giới để phân chia quyền sử dụng đất với nhau và đã ký giáp ranh để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo mốc giới đó thì có thể hiểu, các hộ gia đình, cá nhân đã có thỏa thuận về ranh giới giữa các bất động sản liền kề. Vì vậy, ranh giới đã tự phân chia đó được công nhận và có giá trị pháp lý.
-
Giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất trong trường hợp đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Căn cứ Điều 202, 203 Luật Đất đai:
Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải.
Nếu tự hòa giải không thành thì gửi đơn đến UBND cấp xã để hòa giải.
Trong trường hợp nêu trên, các bên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất. Vì vậy, nếu hòa giải tại UBND xã không thành thì có thể nộp đơn khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết.