Để biến một ý tưởng kinh doanh thành hiện thực, các start up cần chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt từ tinh thần quyết tâm cho đến chiến lược dài hạn, kế hoạch ngắn hạn, vốn, nhân lực …
Và không phải ai cũng biết tất cả. Do đó, có những công việc, mà phương án tốt nhất là doanh nhân nên sử dụng dịch vụ thuê ngoài trước khi thực sự đi vào hoạt động.
Xem thêm:
Có nhiều trường hợp, những công việc này được thực hiện trước khi doanh nghiệp được thành lập. Kể cả thủ tục thành lập doanh nghiệp, tốt hơn hết hãy sử dụng dịch vụ của một hãng luật để đảm bảo đầu xuôi đuôi lọt và không bị phân tâm vào những thứ không chuyên.
Vậy, câu hỏi là: khi doanh nghiệp chưa được thành lập thì các khoản tiền đã chi ra có được cơ quan thuế chấp nhận hay không?
Căn cứ pháp lý:
- Luật doanh nghiệp 2014
- Thông tư số 96/2015/TT-BTC
- Thông tư số 219/2013/TT-BTC
- Thông tư số 45/2013/TT-BTC
1. Hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp
Căn cứ Điều 19 Luật Doanh nghiệp:
Điều 19. Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp
1. Người thành lập doanh nghiệp được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.
2. Trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác.
Như vậy, pháp luật cho phép doanh nhân ký các loại hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp. Sau khi đã đi vào hoạt động, doanh nghiệp sẽ kế thừa quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các hợp đồng này.
Các hợp đồng này có thể là hợp đồng thuê một hãng luật thực hiện dịch vụ đăng ký kinh doanh, hợp đồng mua hàng, hay hợp đồng cung cấp dịch vụ cho khách hàng…
Sau khi chính thức hoạt động, nếu hợp đồng nào chưa được chấm dứt, doanh nghiệp có quyền và nghĩa vụ tiếp tục thực hiện các hợp đồng này.
Căn cứ khoản 3 điều 3 Thông tư số 45/2013/TT-BTC:
Điều 3. Tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định:
3. Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, ….. được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm theo quy định của Luật thuế TNDN
Theo quy định trên, mặc dù được quy định tại thông tư hướng dẫn về tài sản cố định, nhưng nội dung này đã thừa nhận các khoản chi trước khi thành lập doanh nghiệp.
2. Chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN
Có thể kể ra một số loại chi phí phục vụ cho thành lập doanh nghiệp như:
- Lệ phí đăng ký doanh nghiệp, lệ phí công bố thông tin;
- Chi phí thuê trụ sở;
- Chi phí đầu tư máy móc, thiết bị;
- Chi phí quảng cáo;
- …..
Như chúng tôi đã trình bày ở trên, các hợp đồng được ký kết trước khi thành lập doanh nghiệp được pháp luật công nhận. Vậy các chi phí để thực hiện các hợp đồng này được xem là hợp lý, hợp lệ để được cơ quan thuế chấp nhận khi xác định thuế TNDN khi nào?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC:
Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Căn cứ khoản 12 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC:
Điều 14. Nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
12. Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào dưới hình thức ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác mà hóa đơn mang tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền bao gồm các trường hợp sau đây:
a) …
b) Trước khi thành lập doanh nghiệp, các sáng lập viên có văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện chi hộ một số khoản chi phí liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, mua sắm hàng hóa, vật tư thì doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu ….
Như vậy, Căn cứ khoản 3 điều 3 Thông tư số 45/2013/TT-BTC chúng tôi trích dẫn ở trên và khoản 12 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, các khoản chi trước khi thành lập doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC sẽ được cơ quan thuế chấp thuận và được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm kể từ khi thành lập doanh nghiệp.