Số lượng doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động tại Việt Nam hiện nay rất lớn. Nhà nước còn có riêng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực từ 01/01/2018 để dành cho các doanh nghiệp này.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13;
- Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH;.
- Nghị định số 149/2018/NĐ-CP;
- Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ số 04/2017/QH14;
- Nghị định số 49/2013/NĐ-CP;
- Nghị định số 121/2018/NĐ-CP.
-
Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm
- Doanh nghiệp siêu nhỏ;
- Doanh nghiệp nhỏ;
- Doanh nghiệp vừa.
Căn cứ Điều 4 Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy định tiêu chí để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
Điều 4. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:
a) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;
b) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng
-
Doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động không phải đăng ký nội quy lao động
Nội quy lao động là cơ sở để xử lý kỷ luật lao động, có vai trò rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi của cả doanh nghiệp và người lao động.
Điều 119 Bộ luật Lao động quy định nghĩa vụ ban hành nội quy lao động như sau:
Điều 119. Nội quy lao động
1. Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản
Sau khi đã ban hành nội quy lao động, doanh nghiệp có nghĩa vụ đăng ký nội quy lao động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh như sau:
Điều 10. Đăng ký nội quy lao động và hiệu lực của nội quy lao động
4. Người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động không phải đăng ký nội quy lao động; trường hợp ban hành nội quy lao động bằng văn bản thì hiệu lực của nội quy lao động do người sử dụng lao động quyết định trong nội quy lao động; trường hợp không ban hành nội quy lao động bằng văn bản thì người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận nội dung kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất và ghi trong hợp đồng lao động để thực hiện.
Như vậy, doanh nghiệp có dưới 10 người lao động thì doanh nghiệp và người lao động có thể tự thỏa thuận nội quy lao động trách nhiệm về vật chất và ghi trong hợp đồng lao động.
-
Doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động không phải tổ chức hội nghị người lao động
Hội nghị người lao động là 1 hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Theo quy định, doanh nghiệp và người lao động phải tổ chức thực hiện:
- Hội nghị người lao động do người sử dụng lao động và tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở tổ chức thực hiện. Hội nghị người lao động được tổ chức ít nhất một năm một lần.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc
Tuy nhiên, riêng đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động được miễn tổ chức hội nghị theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 149/2018/NĐ-CP như sau:
Điều 12. Hiệu lực thi hành
2. Người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động được miễn trừ tổ chức hội nghị người lao động theo quy định tại Điều 9 và ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc bằng văn bản theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
-
Thuế và kế toán
Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ quy định hỗ trợ về thuế và kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
Điều 10. Hỗ trợ thuế, kế toán
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán
-
Doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động được miễn gửi thang lương, bảng lương và định mức lao động
Theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP Doanh nghiệp tổ chức xây dựng hoặc rà soát sửa đổi bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động và gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để theo dõi, kiểm tra.
Trường hợp doanh nghiệp có nhiều đơn vị, chi nhánh hoạt động ở các địa bàn khác nhau thì sau khi xây dựng, quyết định thang lương, bảng lương và định mức lao động, doanh nghiệp gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt đơn vị, chi nhánh của doanh nghiệp để theo dõi, kiểm tra.
Tuy nhiên Nghị định số 121/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2013/NĐ-CP đã bổ sung quy định miễn thủ tục trên cho doanh nghệp nhỏ và vừa:
Đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp