Việc trừ lương của người lao động với lý do đi làm muộn hiện nay được nhiều doanh nghiệp áp dụng như là một hình thức kỷ luật lao động. Vậy điều này có phù hợp quy định pháp luật hay không?
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật lao động năm 2012;
- Nghị định số 05/2015/NĐ-CP;
- Nghị định số 95/2013/NĐ-CP.
Hiện nay với công nghệ hiện đại, nhiều nơi áp dụng máy chấm công để ghi nhận thời điểm người lao động đến và đi khởi nơi làm việc. Dựa trên cơ sở này, có một số doanh nghiệp vẫn trừ lương của người lao động đi làm muộn vì cho rằng đó là khoảng thời gian người lao động không làm việc, do đó, doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải trả tiền lương cho những khoảng thời gian đó. Có doanh nghiệp lại cho rằng người lao động đã vi phạm nội quy lao động nên phải bị kỷ luật lao động.
1. Không có hình thức kỷ luật phạt tiền
Hiện nay, pháp luật quy định các hình thức kỷ luật lao động tại Điều 125 Bộ luật lao động như sau:
Điều 125. Hình thức xử lý kỷ luật lao động
1. Khiển trách.
2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức.
3. Sa thải.
Như vậy, Bộ luật lao động đã quy định cụ thể rất rõ và không có hình thức kỷ luật lao động bằng cách trừ lương, phạt tiền đối với người lao động. Quy định này một lần nữa được khẳng định tại Điều 128 Bộ luật lao động:
Điều 128 Bộ luật lao động. Những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động
1. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.
2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.
Như vậy, có thể thấy việc dùng hình thức phạt tiền, cắt lương của người lao động là một điều cấm của pháp luật lao động.
Hiện nay, chỉ duy nhất một trường hợp NSDLĐ có quyền khấu trừ tiền lương của NLĐ khi NLĐ làm hư hỏng dụng cụ thiết bị theo Điều 101 Bộ luật lao động như sau:
Điều 101. Khấu trừ tiền lương
1. NSDLĐ chỉ được khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của NSDLĐ theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này.
2. NLĐ có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của NLĐ sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập
2. Không có hình thức trả lương theo đơn vị nhỏ hơn giờ
Qua phân tích ở trên, có thể thấy NSDLĐ không được trừ lương của NLĐ đi làm muộn thông qua kỷ luật lao động.
Vậy NSDLĐ có thể lập luận rằng do NLĐ không làm việc vào thời gian đi làm muộn nên không có nghĩa vụ trả lương cho thời gian đó được không?
Các hình thức trả lương hiện nay được quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP bao gồm theo tháng, tuần, ngày, giờ, như sau:
Điều 22 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP: Hình thức trả lương
Hình thức trả lương theo Khoản 1 Điều 94 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ, cụ thể:
a) Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở hợp đồng lao động;
b) Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;
c) Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn;
d) Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động
Căn cứ theo quy định trên, không có hình thức trả lương theo phút, hay theo đơn vị thời gian nhỏ hơn giờ. Vậy NSDLĐ có thể tiếp tục lập luận rằng tổng thời gian đi làm muộn của NLĐ trong 1 tháng lớn hơn 1 giờ và không trả lương cho 1 giờ đi làm muộn của NLĐ được không? (nếu có trường hợp NLĐ đi làm muộn nhiều ngày trong tháng và cộng dồn thời gian đi làm muộn là trên 1 giờ).
Căn cứ Khoản 1 Điều 95 Bộ luật lao động, quy định về kỳ hạn trả lương:
Điều 95. Kỳ hạn trả lương
1. Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần
Theo quy định trên, NSDLĐ áp dụng hình thức trả lương theo giờ, ngày, tuần, tháng thì NSDLĐ phải trả lương sau giờ, ngày, tuần, tháng làm việc hoặc nếu hai bên thỏa thuận thì có thể trả gộp nhưng ít nhất 15 ngày phải trả 1 lần. Về bản chất vẫn phải trả sau giờ, ngày, tuần, tháng làm việc. Do đó, việc cộng dồn thời gian đi làm muộn trong 1 tháng với mục đích tính đủ hoặc trên 1 giờ đi làm muộn để trừ lương tháng của NLĐ là chưa phù hợp với quy định pháp luật lao động.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm, theo Khoản 1 Điều 94 Bộ luật lao động, NSDLĐ phải duy trì hình thức trả lương đã chọn trong một thời gian nhất định, trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì NSDLĐ phải thông báo cho NLĐ biết trước ít nhất 10 ngày.
3. Xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
Việc NSDLĐ trừ lượng NLĐ đi làm muộn thay vì xử lý kỷ luật lao động có thể dẫn đến rủi ro pháp lý bị khiếu nại, khởi kiện và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP như sau:
Điều 15. Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
a) Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động;
b) Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;
c) Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.