Doanh nghiệp và người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc tại địa phương mà doanh nghiệp có trụ sở đồng thời phải tuân thủ mức lương tối thiểu vùng.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định số 115/2015/NĐ-CP;
- Quyết định số 595/QĐ-BHXH.
Xem thêm:
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Luật sư TLT tư vấn giúp em, công ty em làm kinh doanh vận tải có trụ sở chính áp dụng lương tối thiểu tại vùng 1, và nhiều chi nhánh tại nhiều tỉnh khác nhau thuộc vùng 4. Công ty muốn tập trung quản lý nên toàn bộ tài xế công ty là ký hợp đồng lao động với trụ sở chính, nhưng đa số tài xế chủ yếu hoạt động tại các tỉnh. Giờ công ty muốn đóng BHXH cho toàn bộ tài xế theo mức lương tối thiểu vùng 4 được không ạ? Vì nhiều tài xế chỉ hoạt động tại địa phương vùng 4.
Khi trả lương cho người lao động, doanh nghiệp phải tham khỏa quy định về mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo từng khu vực địa lý hành chính. Theo đó, người sử dụng lao động có trụ sở chính và các chi nhánh hoạt động tại các địa bàn thuộc các vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu tại vùng tương ứng.
Căn cứ khoản 3 Điều 7 Quyết định số 595/QĐ-BHXH như sau:
Điều 7. Phương thức đóng theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
3. Đóng theo địa bàn
- 3.1. Đơn vị đóng trụ sở chính ở địa bàn tỉnh nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH tại địa bàn tỉnh đó theo phân cấp của BHXH tỉnh.
- 3.2. Chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào thì đóng BHXH tại địa bàn đó.
Theo quy định trên, người sử dụng lao động sẽ đóng BHXH bắt buộc theo địa bàn và có sự phân biệt địa bàn giữa trụ sở chính công ty và trụ sở của chi nhánh.
Do đó, với trường hợp tại câu hỏi cụ thể nêu trên:
- Công ty có trụ sở tại địa bàn thuộc vùng 1 thì người lao động ký hợp đồng lao động với công ty sẽ tham gia BHXH tại địa bàn theo trụ sở công ty;
- Các chi nhánh có trụ sở tại địa bàn thuộc vùng 4 thì nếu người lao động ký hợp đồng lao động với chi nhánh sẽ tham gia BHXH tại địa bàn theo trụ sở chinh nhánh;
- Nếu công ty đã ký hợp đồng lao động với người lao động thì chi nhánh không thể đóng BHXH cho người lao động đó.
Tuy nhiên cần lưu ý về mức lương để tính đóng BHXH. Cụ thể căn cứ Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP như sau:
Điều 17. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại Khoản 2 Điều 89 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
- Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này là tiền lương do doanh nghiệp quyết định, trừ viên chức quản lý chuyên trách trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này là tiền lương do đại hội thành viên quyết định.
Theo quy định trên, tiền lương tháng để tính đóng BHXH không căn cứ theo tiền lương tối thiểu vùng, mà được căn cứ theo mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được ghi trong hợp đồng lao động.
Do đó:
- Nếu doanh nghiệp và người lao động tham gia BHXH theo tiền lương tối thiểu vùng thì có thể dẫn đến đóng thiếu tiền BHXH, BHYT, BHTN;
- Doanh nghiệp cần căn cứ tiền lương và các phụ cấp lương tại hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động để tính đóng BHXH, BHYT, BHTN.