Công đoàn có chức năng chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Vậy khi người lao động bị thôi việc, công đoàn phải làm gì?
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Chào anh chị, em là cán bộ công đoàn trong công ty. Hiện tại công ty dự kiến sẽ cắt giảm một số nhân viên do tổ chức, sắp xếp lại các bộ phận. Em muốn hỏi công đoàn công ty sẽ cần phải làm những việc gì ạ?
Căn cứ điểm a khoản 1, khoản 3, 6 Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế
1. Những trường hợp sau đây được coi là thay đổi cơ cấu, công nghệ:
a) Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
3. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
6. Việc cho thôi việc đối với người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên và thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho người lao động.
Căn cứ Điều 44 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
Điều 44. Phương án sử dụng lao động
- Phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
- a) Số lượng và danh sách người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động được đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian;
- b) Số lượng và danh sách người lao động nghỉ hưu;
- c) Số lượng và danh sách người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
- d) Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động và các bên liên quan trong việc thực hiện phương án sử dụng lao động;
- đ) Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
- Khi xây dựng phương án sử dụng lao động, người sử dụng lao động phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Phương án sử dụng lao động phải được thông báo công khai cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông qua.
Theo các quy định trên, trước khi doanh nghiệp cho người lao động thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động thì doanh nghiệp phải thực hiện:
- Trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu doanh nghiệp có tổ chức đại diện người lao động);
- Xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động nếu tác động đến nhiều người lao động;
- Thông báo trước 30 ngày cho UBND cấp tỉnh và cho người lao động.
Như vậy, khi doanh nghiệp có kế hoạch cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, sắp xếp lại các bộ phận thì tổ chức công đoàn tại cơ sở cần đề nghị doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định tại Điều 63, 64 Bộ luật Lao động năm 2019.
Căn cứ Điều 41 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 41. Tổ chức đối thoại khi có vụ việc
- Đối với vụ việc người sử dụng lao động phải tham khảo, trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở về quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36; cho thôi việc đối với người lao động theo quy định tại Điều 42; phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44; thang lương, bảng lương và định mức lao động theo quy định tại Điều 93; quy chế thưởng theo quy định tại Điều 104 và nội quy lao động theo quy định tại Điều 118 của Bộ luật Lao động được thực hiện như sau:
- a) Người sử dụng lao động có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo nội dung cần tham khảo, trao đổi ý kiến đến các thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người lao động;
- b) Các thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người lao động có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến người lao động do mình đại diện và tổng hợp thành văn bản của từng tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động để gửi tới người sử dụng lao động; trường hợp nội dung đối thoại liên quan đến quyền, lợi ích của lao động nữ thì cần bảo đảm lấy ý kiến của họ;
- c) Căn cứ ý kiến của các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động, người sử dụng lao động tổ chức đối thoại để thảo luận, trao đổi ý kiến, tham vấn, chia sẻ thông tin về những nội dung người sử dụng lao động đưa ra;
- d) Số lượng, thành phần tham gia, thời gian, địa điểm tổ chức đối thoại do hai bên xác định theo quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
- đ) Diễn biến đối thoại phải được ghi thành biên bản và có chữ ký của đại diện các bên tham gia đối thoại theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định này;
- e) Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố công khai tại nơi làm việc những nội dung chính của đối thoại; tổ chức đại diện người lao động (nếu có), nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) phổ biến những nội dung chính của đối thoại đến người lao động là thành viên.
- Đối với vụ việc tạm đình chỉ công việc của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 128 của Bộ luật Lao độngthì người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động mà người lao động bị tạm đình chỉ công việc là thành viên có thể trao đổi bằng văn bản hoặc thông qua trao đổi trực tiếp giữa đại diện tham gia đối thoại của bên người sử dụng lao động và đại diện đối thoại của tổ chức đại diện người lao động.
Theo quy định trên, tại buổi đối thoại, các thành viên tham gia đối thoại của người lao động có quyền đóng góp ý kiến về kế hoạch cắt giảm nhân sự và phương án sử dụng lao động của công ty.