Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật lao động số 10/2012/QH13;
- Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13;
- Quyết định số 2777/QĐ-BHXH ngày 31/12/2015.
Trong thời gian thử việc, thực tế các doanh nghiệp thường không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho nhân viên và cũng không thanh toán khoản BHXH này khi trả lương. Việc làm này đúng hay không?
-
Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Bộ luật lao động không bắt buộc các bên phải giao kết hợp đồng thử việc, đồng thời cũng không bắt buộc các bên phải thỏa thuận nội dung về BHXH trong hợp đồng thử việc. Điều này được thể hiện tại Khoản 1 Điều 26 Bộ luật lao động:
Điều 26. Thử việc
1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.
Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này
Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được quy định như sau:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Theo các quy định nêu trên, NLĐ đang làm việc theo hợp đồng thử việc không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
-
Phải đóng BHXH khi thử việc trong trường hợp nào?
Trên thực tế, có trường hợp NSDLĐ không giao kết hợp đồng thử việc riêng đối với NLĐ mà thời gian thử việc được quy định ngay trong HĐLĐ và nếu NLĐ thử việc đạt yêu cầu được làm việc chính thức thì thời hạn HĐLĐ được tính bao gồm cả thời gian thử việc.
Trường hợp này, cần áp dụng quy định tại Quyết định số 2777/QĐ-BHXH ngày 31/12/2015 để xác định thời gian đóng BHXH, BHYT, BHTN như sau:
1.1. Thời điểm bắt đầu tham gia BHXH, BHYT, BHTN đối với một số đối tượng
– Người lao động có HĐLĐ, hợp đồng làm việc (HĐLV), hợp đồng (HĐ) thử việc dưới 03 tháng hoặc theo một công việc nhất định sau khi hết thời hạn hợp đồng nếu không ký tiếp hợp đồng mới nhưng người lao động vẫn tiếp tục làm việc tại đơn vị thì sau 30 ngày kể từ ngày hợp đồng hết hạn thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc.
– Người lao động có thời gian thử việc ghi trong HĐLĐ, HĐLV mà hợp đồng đó thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN thì đơn vị và người lao động phải đóng BHXH, BHYT, BHTN cho cả thời gian thử việc. Trường hợp HĐ thử việc dưới 03 tháng tách rời với HĐLĐ, HĐLV thì HĐ thử việc đó không thuộc đối tượng đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc.
– Từ ngày 01/01/2018, người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH
Căn cứ hướng dẫn trên có thể tổng hợp như sau:
- Nếu NSDLĐ giao kết hợp đồng thử việc độc lập so với HĐLĐ thì trong thời gian thử việc, NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc.
- Nếu NSDLĐ không giao kết hợp đồng thử việc độc lập mà thời gian thử việc được quy định ngay trong HĐLĐ thì NSDLĐ và NLĐ phải đóng BHXH, BHYT, BHTN cho cả thời gian thử việc.
-
Phải trả tiền cho NLĐ nếu không đóng BHXH, BHYT, BHTN
Như đã nêu ở trên, nếu hợp đồng thử việc được giao kết độc lập với HĐLĐ thì trong thời gian thử việc, NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc. Tuy nhiên, cần lưu ý theo quy định tại Khoản 3 Điều 186 Bộ luật lao động:
Nếu NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN thì NSDLĐ phải trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương cho NLĐ một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, BHYT, BHTN và tiền nghỉ phép hàng năm theo quy định.