Sở hữu chéo là việc đồng thời hai doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau. Hiện nay, pháp luật đã có nhiều quy định để hạn chế tình trạng sở hữu chéo, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Căn cứ pháp lý:
- Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13;
- Nghị định số 96/2015/NĐ-CP;
- Nghị định số 50/2016/NĐ-CP.
Một ví dụ đơn giản nhất về sở hữu chéo là là A sở hữu B và B cũng sở hữu A. Trên thực tế sở hữu chéo phức tạp hơn rất nhiều. Đó là các quan hệ sở hữu gián tiếp thông qua nhiều tổ chức trung gian, ví dụ A sở hữu B nhưng B không trực tiếp sở hữu A mà B lại sở hữu C, sau đó C mới trực tiếp sở hữu A. Hoặc, có dạng sở chéo thông qua cá nhân trung gian là cổ đông lớn hoặc người có liên quan của họ.
Ngoài ra, còn có dạng sở hữu chéo thông qua mối quan hệ vay, tài trợ mà không phải là quan hệ sở hữu. Đây chính là quan hệ có khả năng dẫn đến nhiều hệ quả. Điển hình là việc sau khi đã vay vốn của ngân hàng, con nợ sử dụng chính nguồn tiền vay để mua cổ phiếu và thâu tóm ngân hàng là chủ nợ. Hậu quả dẫn đến, thay vì ngân hàng thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo của con nợ thì ngân hàng lại miễn giảm lãi, xóa nợ, thậm chí tiếp tục cho vay để con nợ rút vốn.
-
Sở hữu chéo là gì?
Căn cứ Khoản 2, Điều 16 Nghị định số 96/2015/NĐ-CP, khái niệm sở hữu chéo được quy định như sau:
Điều 16. Hạn chế sở hữu chéo giữa các công ty
2. Sở hữu chéo là việc đồng thời hai doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau
Khái niệm như trên chỉ đề cập đến dạng sở hữu chéo cơ bản nhất mà không khái quát được các dạng sở hữu chéo khác phức tạp hơn trong thực tế như đã trình bày ở trên.
Xem xét tên của điều khoản nêu trên có thể nhận thấy, pháp luật doanh nghiệp hiện nay không cấm sở hữu chéo mà chỉ đặt ra vấn đề hạn chế tình trạng này. Bởi lẽ, trên thực tế các doanh nghiệp có nghiệp vụ kinh doanh, đầu tư chứng khoán, do đó sẽ có khả năng các doanh nghiệp sẽ sở hữu cổ phần của nhau.
-
Các trường hợp không được sở hữu chéo
Như đã trình bày ở trên, việc sở hữu chéo tiềm ẩn nhiều rủi ro kinh tế, và pháp luật đã có quy định hạn chế điều này. Đặc biệt có trường hợp các doanh nghiệp bị cấm sở hữu chéo khi có mối quan hệ nhất định theo quy định tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp như sau:
Điều 189. Công ty mẹ, công ty con
1. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
2. Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
3. Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này
Theo quy định nêu trên, việc sở hữu chéo sẽ bị cấm trong trường hợp:
- Các công ty con của cùng một công ty mẹ bị cấm sở hữu chéo lẫn nhau;
- Công ty con bị cấm sở hữu ngược trở lại công ty mẹ.
Tuy nhiên, quy định như trên rất dễ bị vô hiệu hóa trong thực tế, bởi khái niệm về sở hữu chéo được quy định tại Nghị định số 96/2015/NĐ-CP còn khá đơn giản.
-
Phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sở hữu chéo
Điều 189 Luật Doanh nghiệp đã cấm việc sở hữu chéo trong trường hợp công ty mẹ, công ty con. Vì vậy, nếu để sảy ra tình trạng này, doanh nghiệp sẽ bị phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, và buộc phải thực hiện khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP như sau:
Điều 39. Vi phạm quy định đối với doanh nghiệp được tổ chức theo mô hình công ty mẹ, công ty con
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công ty con đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ;
b) Các công ty con của cùng một công ty mẹ cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau;
c) Các công ty con có cùng công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thoái vốn, rút cổ phần từ công ty mẹ hoặc công ty con khác đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này;
b) Buộc thoái vốn khỏi doanh nghiệp được thành lập đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này.