Có thực tế rằng hiện nay rất nhiều doanh nghiệp giao kết hợp đồng cộng tác viên hay hợp đồng dịch vụ khi thuê mướn người lao động để làm những công việc giản đơn, hoặc những công việc có tính chất thời vụ.
Vậy việc ký hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng dịch vụ thay thế cho hợp đồng lao động có phù hợp quy định pháp luật hay không? Và tiềm ẩn những rủi ro gì?
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật lao động;
- Luật thương mại;
- Nghị định số 39/2007/NĐ-CP;
- Nghị định số 88/2015/NĐ-CP.
Để đánh giá một hợp đồng là loại hợp đồng gì cần xem xét đến nội dung trong đó, đồng thời cũng cần xem xét đến tư cách pháp lý của các chủ thể tham gia ký hợp đồng.
Khi giao kết hợp đồng hợp đồng cộng tác viên, doanh nghiệp có mục đích hướng đến xác lập một thoả thuận với các điều khoản của một hợp đồng dịch vụ với người lao động. Ngoài ra, bản chất khi giao kết hợp đồng, cả hai bên đều vì mục đích sinh lợi. Do đó, căn cứ vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật thương mại, có thể coi hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ và nó được điều chỉnh bởi Luật thương mại.
Hợp đồng cộng tác viên có thể được coi là hợp đồng lao động không?
Bộ luật lao động định nghĩa về quan hệ lao động và hợp đồng lao động như sau:
Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Có thể hiểu hợp đồng lao động chứa đựng những nội dung cơ bản về quan hệ lao động như: tiền lương, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, quyền và nghĩa vụ của NSDLĐ và NLĐ.
Do đó, nếu hợp đồng cộng tác viên có những nội dung tương tự như hợp đồng lao động thì hợp đồng cộng tác viên có thể được coi là hợp đồng lao động và quan hệ giữa cá nhân và doanh nghiệp là quan hệ lao động.
Rủi ro khi ký kết hợp đồng cộng tác viên với NLĐ
Như chúng tôi đã phân tích, hợp đồng cộng tác viên có thể được xem là hợp đồng dịch vụ, tuy nhiên cũng có thể xem đó là hợp đồng lao động. Vậy chắc chắn sẽ có những rủi ro pháp lý nhất định khi giao kết hợp đồng cộng tác viên với NLĐ.
-
Chủ thể không có quyền giao kết hợp đồng cộng tác viên
Nếu xem hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ thì sẽ được điều chỉnh bởi Luật thương mại. Chủ thể có hoạt động thương mại được gọi là thương nhân và phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật.
Pháp luật quy định một số trường hợp hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh tại Nghị định số 39/2007/NĐ-CP, có thể liệt kê như bán hàng rong, đánh giày, bán vé số, sửa chữa xe, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định.
Do đó, khi doanh nghiệp thuê mướn một cá nhân để thực hiện những công việc đòi hỏi trình độ nhất định, làm việc thường xuyên thì cá nhân đó phải có đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Vì vậy rủi ro tiềm ẩn là cá nhân đó không được phép cung cấp dịch vụ thực hiện công việc cho doanh nghiệp.
-
Chế tài khi không ký hợp đồng lao động
Việc ký hợp động cộng tác viên thay cho hợp đồng lao động sẽ có khả năng dẫn đến tranh chấp. Sẽ ra sao nếu tòa án, các cơ quan hành chính nhà nước đánh giá quan hệ thuê mướn giữa cá nhân và doanh nghiệp là quan hệ lao động nhưng lại ký hợp đồng cộng tác viên? Rủi ro dễ thấy nhất đó là doanh nghiệp có thể bị phạt vi phạm hành chính về việc không giao kết đúng loại HĐLĐ được quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP đồng thời là các khoản truy thu BHXH bắt buộc và doanh nghiệp buộc phải thực hiện giao kết hợp đồng lao động với NLĐ theo đúng quy định pháp luật.