Hiện nay, có tình trạng khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp tạm giữ của người lao động một khoản tiền lương và yêu cầu người lao động thanh toán hết các nghĩa vụ tài sản của mình với doanh nghiệp trước, sau đó mới thanh toán hết lương cho người lao động. Như vậy có phù hợp pháp luật hay không?
Xem thêm:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật lao động;
- Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.
Theo pháp luật lao động hiện hành, chỉ duy nhất một trường hợp NSDLĐ có quyền khấu trừ tiền lương của NLĐ theo Điều 101 Bộ luật lao động như sau:
Điều 101. Khấu trừ tiền lương
1. NSDLĐ chỉ được khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của NSDLĐ theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này.
2. NLĐ có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của NLĐ sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.
Cụ thể, căn cứ Điều 130 Bộ luật lao động, nếu NLĐ gây thiệt hại do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi NLĐ làm việc, thì NLĐ phải bồi thường tối đa là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật lao động.
Điều 130. Bồi thường thiệt hại
1. NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của NSDLĐ thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp NLĐ gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi NLĐ làm việc, thì NLĐ phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.
2. NLĐ làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ hoặc tài sản khác do NSDLĐ giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.
Ngay cả khi NLĐ làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ thì mặc dù NLĐ vẫn phải bồi thường thiệt hại cho NSDLĐ, tuy nhiên NLĐ cũng không bị khấu trừ vào lương.
Do đó, nguyên tắc nếu NLĐ không có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của NSDLĐ thì NSDLĐ không có quyền khấu trừ tiền lương của NLĐ. Vì vậy, NSDLĐ có nghĩa vụ thanh toán đúng và đầy đủ tất cả các khoản tiền còn nợ cho NLĐ. Trường hợp NSDLĐ đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình đối với NLĐ, tuy nhiên phía NLĐ lại không thực hiện đúng nghĩa vụ bồi thường thiệt hại thì NSDLĐ có thể thương lượng, yêu cầu các cơ quan công an hỗ trợ hoặc khởi kiện để đòi tài sản.