Theo quy định pháp luật, khi kết quả thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật lao động năm 2012;
- Nghị định số 05/2015/NĐ-CP;
- Nghị định số 95/2013/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được nhiều thắc mắc về việc người lao động đã kết thúc thời gian thử việc và vẫn tiếp tục làm việc nhưng công ty không ký hợp đồng lao động, dẫn đến có trường hợp sau khi làm việc được một thời gian thì công ty thông báo cho nghỉ việc do không có hợp đồng lao động. Vậy công ty có vi phạm pháp luật lao động hay không?
-
Nghĩa vụ ký HĐLĐ khi kết quả thử việc đạt yêu cầu
Khi Nghị định số 44/2003/NĐ-CP còn hiệu lực, có quy định việc người lao động đương nhiên được làm việc chính thức nều vẫn tiếp tục làm việc khi hết thời hạn thử việc mà công ty không thông báo kết quả làm thử.
Hiện nay, việc ký kết hợp đồng lao động sau khi hết thời gian thử việc được quy định tại Khoản 1 Điều 29 Bộ luật lao động và Điều 7 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP như sau:
Điều 29. Kết thúc thời gian thử việc
1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động
Điều 7. Thông báo kết quả về việc làm thử
1. Trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 27 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động.
2. Khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 3 Điều 27 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động
Như vậy, pháp luật đã quy định rõ, khi kết thúc thời gian thử việc, nếu kết quả thử việc đạt yêu cầu thì NSDLĐ phải ký ngay HĐLĐ với NLĐ.
-
Quan hệ lao động vẫn được xác lập khi không có HĐLĐ
Có thể thấy, so với Nghị định số 44/2003/NĐ-CP đã hết hiệu lực thì pháp luật hiện hành không quy định minh thị rằng sau khi kết thúc thời gian thử việc, nếu NLĐ vẫn tiếp tục làm việc mà NSDLĐ không ký HĐLĐ thì đương nhiên NLĐ trở thành lao động chính thức. Vì vậy, có ý kiến cho rằng trong trường hợp này “không mặc nhiên hình thành quan hệ lao động” hay “không đương nhiên xác lập hợp đồng lao động”.
Để đánh giá việc có tồn tại quan hệ lao động hay không, cần xem xét mối quan hệ giữa NSDLĐ và NLĐ và tinh thần của pháp luật lao động.
Căn cứ Khoản 6 Điều 3 Bộ luật lao động, định nghĩa về quan hệ lao động:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
6. Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động
Vậy, sự việc NLĐ vẫn tiếp tục làm việc cho NSDLĐ sau khi hết thời hạn thử việc là có thực, đây là thực tế khách quan. Trong mối quan hệ này, NLĐ có làm việc và được NSDLĐ trả lương. Đồng thời theo quy định pháp luật, NSDLĐ không được thử việc quá thời gian quy định, đồng thời không được thử việc quá 1 lần đối với 1 công việc.
Do đó, việc NLĐ vẫn tiếp tục làm việc cho NSDLĐ sau khi hết thời hạn thử việc là đã tồn tại mối quan hệ lao động giữa NSDLĐ và NLĐ.
Căn cứ Điều 16 Bộ luật lao động về hình thức hợp đồng lao động:
Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói
Theo quy định trên, HĐLĐ phải được giao hết bằng văn bản (trừ trường hợp đối với công việc tạm thời có thời gian dưới 3 tháng). Có ý kiến cho rằng, các bên không ký HĐLĐ sau khi thử việc bằng văn bản là không tồn tại HĐLĐ. Tuy nhiên, như phân tích ở trên, giữa NSDLĐ và NLĐ có tồn tại mối quan hệ lao động. Việc giao hết HĐLĐ bằng văn bản hay lời nói chỉ là hình thức của hợp đồng.
Ngoài ra, căn cứ Khoản 1 Điều 29 Bộ luật lao động và Điều 7 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, các cơ quan Nhà nước đã quy định NSDLĐ có nghĩa vụ phải giao kết HĐLĐ với NLĐ nếu kết quả thử việc đạt yêu cầu. Có thể thấy, tinh thần pháp luật ở đây là để bảo vệ NLĐ và mối quan hệ giữa hai bên nếu tiếp tục làm việc sau khi thử việc là mối quan hệ lao động.
-
Xử phạt vi phạm hành chính khi không ký HĐLĐ
Như chúng tôi phân tích ở trên, việc người lao động đã kết thúc thời gian thử việc và vẫn tiếp tục làm việc nhưng NSDLĐ không ký HĐLĐ thì giữa NSDLĐ và NLĐ vẫn tồn tại mối quan hệ lao động. Việc NSDLĐ không giao kết HĐLĐ bằng văn bản không có nghĩa là quan hệ lao động không tồn tại.
Nếu NSDLĐ không giao kết HĐLĐ trong trường hợp này thì có khả năng bị xử phạt hành chính về vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP như sau:
Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên