Người lao động không muốn trực tiếp tham gia xử lý kỷ luật lao động thì có thể ủy quyền cho người khác như luật sư không?
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Xin chào anh chị Luật sư TLT, em làm bộ phận nhân sự công ty. Vừa rồi bên em có xử lý kỷ luật lao động một nhân viên bảo vệ ngủ trong giờ làm việc, nhưng người này không có mặt mà ủy quyền cho người khác, ủy quyền có công chứng. Bên công ty không chấp nhận thì có được không ạ?
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
Điều 122. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động
1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
- Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
- Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;
- Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;
- Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.
Theo quy định trên, việc có mặt tại buổi họp xử lý kỷ luật lao động là nghĩa vụ của người lao động có hành vi vi phạm.
Do đó cần lưu ý: sự có mặt là nghĩa vụ, nên người lao động không được ủy quyền cho người khác tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật.